Tập trung tháo gỡ bất cập trong giải ngân vốn đầu tư

Lê Dung| 07/11/2019 09:41

Đắk Glong có nguồn vốn ngân sách được phân bổ tương đối cao so với các địa phương khác trong tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nên đến nay, một số nguồn vốn vẫn chưa thể giải ngân được và huyện đang nỗ lực để tháo gỡ, khắc phục vấn đề này.

ADQuảng cáo

Kết quả giải ngân thấp

Theo Phòng Tài chính huyện Đắk Glong, tổng số vốn đầu tư công trên địa bàn năm 2019 là 155,123 tỷ đồng. Trong 10 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn này mới được huyện thực hiện giải ngân 54,1 tỷ đồng, đạt 39,58%. Trong đó, nguồn vốn chuyển nhiệm vụ chi năm 2018 sang năm 2019, toàn huyện mới giải ngân được 10,47 tỷ đồng, đạt 56,9%.

Kế hoạch vốn năm 2019 của huyện cũng mới giải ngân được 43,64 tỷ đồng, đạt 31,9%. Cụ thể, nguồn vốn do ngân sách tỉnh quản lý được xem là có kết quả khả quan nhất, với tỷ lệ giải ngân đạt 57,43% kế hoạch. Tiếp đến là nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, đến nay cũng mới chỉ giải ngân được 5,269 tỷ đồng, đạt 32,9% kế hoạch vốn giao.

Trụ sở UBND xã Quảng Khê (Đắk Glong) đang trong quá trình hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng

Về nguồn ngân sách của huyện, kết quả sau 10 tháng triển khai cũng đạt khá thấp. Theo đó, tổng kế hoạch vốn giao đầu năm 2019 là 113,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, nguồn vốn này mới giải ngân được 30,1 tỷ đồng, đạt 26,58% kế hoạch giao. Ngoài các nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung và nguồn vốn tiền sử dụng đất do huyện quản lý đạt khá thì các nguồn còn lại đều đang gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững có tổng vốn là 63,7 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân được 2,8 tỷ đồng, đạt 4,4% kế hoạch vốn giao.

Cụ thể như, Chương trình MTQG 135 mới giải ngân được 1,85 tỷ đồng, đạt 20,57% kế hoạch; Chương trình 30a cũng giải ngân được 946 triệu đồng, đạt 1,73% kế hoạch vốn giao... Với Chương trình MTQG xây dựng NTM đến nay cũng mới chỉ giải ngân được 4,06 tỷ đồng, đạt 17,28% kế hoạch vốn giao...

"Vướng" ở nhiều khâu

ADQuảng cáo

Việc giải ngân các nguồn vốn trong 10 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn huyện đạt kết quả không như mong đợi xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, nguyên nhân một phần là do một số chủ đầu tư chưa thật sự quan tâm đến tiến độ thực hiện, giải ngân các công trình, dự án, nhất là các công trình chuyển tiếp, công trình thanh toán nợ. Do đó đã dẫn đến một số công trình bị chậm tiến độ như: nhà đa năng của Trường THCS Phan Chu Trinh; các trục đường Trung tâm Hành chính huyện; bờ kè đường thôn 5, xã Đắk P'lao; Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn... Ngoài ra, hiện nay, do vướng cơ chế chính sách, nên một số công trình có quy mô lớn như: Chương trình 30a; nhà lớp học 8 phòng 2 tầng thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới... tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp so với kế hoạch.

Những vướng mắc trên đã được UBND huyện tập trung tháo gỡ trong thời gian qua. Huyện cũng đã kiến nghị lên UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh để điều chỉnh chi phí chuẩn bị đầu tư và chi phí quản lý dự án cho Ban Quản lý xã cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, đối với các công trình như: Công trình dân dụng, từ cấp III trở lên; công trình giao thông liên xã hoặc đến trung tâm xã; công trình đập thủy lợi… chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã không đủ năng lực để thực hiện được. Vì vậy, tỉnh cần nâng mức hỗ trợ để chủ đầu tư thuê các đơn vị tư vấn thiết kế, quản lý dự án, giám sát.

Đặc biệt, thời gian qua, các văn bản hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh đang thiếu tính thực tế nên gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Theo đó, hiện nay, huyện Đắk Glong đang có 14 công trình thuộc Chương trình 30a được phê duyệt chủ trương tại Quyết định số 1302/QĐ-UBND ngày 12/8/2019 và 3 công trình thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, bao gồm: Trường mẫu giáo Hoa Cúc, xã Đắk R’măng; nhà lớp học 8 phòng 2 tầng; Trường THCS Đắk Nang, xã Đắk Som; Trường THCS Đắk P'lao…

Đây là những công trình có nhiều thông số kỹ thuật phức tạp và căn cứ theo Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 2/12/2016 của Chính phủ thì Ban Quản lý các Chương trình MTQG các xã làm chủ đầu tư và gói thầu xây dựng giao cho tổ nhóm thợ thực hiện...

Tuy nhiên, hiện nay, Ban quản lý Chương trình MTQG các xã lại đang thực hiện kiêm nhiệm và năng lực hạn chế. Trên địa bàn các xã không có cá nhân, tổ chức, tổ nhóm thợ có đủ năng lực thực hiện thiết kế, đọc bản vẽ, thi công các công trình nêu trên. Các tổ, nhóm thợ trên địa bàn các xã cũng không đọc được bản vẽ chi tiết phức tạp, không có máy thi công, không đủ nhân lực, tài chính để thực hiện các công trình này. Vì vậy, địa phương không thể thực hiện theo cơ chế đặc thù quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP của Chính phủ được…

Mặt khác, một số văn bản ban hành cũng đang thiếu sự đồng bộ nên dễ gây hiểu nhầm cho các địa phương khi thực hiện dự án. Căn cứ theo Mục 7, Báo cáo số 305/BC-SKH ngày 14/8/2019 của Sở Kế hoạch và Đầu tư và tình hình thực tế của địa phương, các công trình nêu trên lại không thể thực hiện được theo cơ chế đặc thù. Do vậy, các đơn vị được giao làm chủ đầu tư đã chủ động thực hiện các công trình nêu trên theo luật Đầu tư.

Đến nay, các công trình cơ bản đã được thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, theo Kho bạc Nhà nước Đắk Glong, các công trình nêu trên lại đáp ứng các tiêu chí cơ chế đặc thù theo quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP, nên đã đề nghị chủ đầu tư thực hiện theo cơ chế đặc thù. Chính sự chồng chéo, mâu thuẫn này nên đến nay, một số nguồn vốn thuộc chương trình MTQG vẫn không thể giải ngân được…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung tháo gỡ bất cập trong giải ngân vốn đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO