Tăng cường triển khai các giải pháp phát triển khoa học công nghệ

Văn Tâm| 09/10/2014 09:29

Xác định vị trí và vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN), thời gian qua, huyện Đắk Glong đã tập trung chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ và đề ra các giải pháp phát triển lĩnh vực hoạt động này tại địa phương.

Cụ thể, huyện đã ban hành nhiều văn bản về kiểm tra chất lượng hàng hóa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiến hành đánh giá các mô hình KH&CN theo sát thực tiễn, giám sát đo lượng chất lượng.... nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Hàng năm, huyện đã lựa chọn và xét duyệt các đề tài, dự án ứng dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đề xuất các sở, ngành cấp trên phê duyệt triển khai. Từ đây, đã có hàng chục dự án, mô hình được chuyển giao KH&CN trên địa bàn huyện với tổng kinh phí hỗ trợ hàng chục tỷ đồng.

Theo đó, về lĩnh vực văn hóa xã hội, huyện đã tập trung nghiên cứu, cung cấp cơ sở, luận cứ khoa học cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cũng như xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương…

Còn trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, địa phương đã xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái, bảo đảm sự phát triển hợp lý giữa trồng trọt và chăn nuôi, giữa nông nghiệp và lâm nghiệp, chuyển mạnh sang đầu tư có chiều sâu, nâng cao hiệu quả và chất lượng vật nuôi, cây trồng.

Đơn cử như từ năm 2009 đến năm 2013, sản lượng cà phê của huyện từ 1.552 tấn lên 13.347 tấn, tăng 176,7%; tổng đàn gia cầm từ 96.000 con lên 101.430 con, tăng 105,6%; đàn dê, cừu từ 900 con lên 1.885 con, tăng 209,4%... Không những vậy, nhiều dự án, mô hình thâm canh cây, con giống mới, áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất cũng được triển khai như: trồng dâu nuôi tằm, ứng dụng chế phẩm sinh học từ vỏ cà phê, ghép giống cà phê năng suất cao tại xã Quảng Khê…

Ngoài ra, trên địa bàn còn triển khai các dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh nuôi thủy sản, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, xây dựng mô hình chăn nuôi một số loài động vật, thủy sản mới, quý hiếm, có giá trị bảo tồn nguồn gen và phát triển du lịch tại địa phương.

Bên cạnh đó, ngành chuyên môn của huyện còn xây dựng đề tài nghiên cứu về những yếu tố sinh thái, địa lý, dân tộc, văn hóa có ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới nhằm đề xuất những chính sách đặc thù cho xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiêu số.

Đối với các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, y tế, bảo vệ môi trường… các cấp, ngành chuyên môn của huyện cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường đại học có uy tín nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường triển khai các giải pháp phát triển khoa học công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO