Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện: Nhiều người bỏ cuộc vì thả nuôi thiếu bền vững

Kim Ngân| 04/06/2015 10:32

Với lợi thế về địa hình, nguồn nước, khí hậu thuận lợi, huyện Đắk Glong được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trên lòng hồ thủy điện. Tuy nhiên, do cách nuôi thiếu bền vững nên lợi thế này chưa được phát huy.

Thời gian đầu, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh và một số hộ đến từ các địa phương khác đã tận dụng nguồn nước các lòng hồ thủy điện để nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những tưởng hướng làm ăn này mở ra cho người dân cơ hội mới để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, thế nhưng từ đầu năm 2015 đến nay, nhiều hộ đã lần lượt rời bỏ lòng hồ để tìm nơi khác hoặc chuyển nghề…

Nhiều người nuôi cá đã thu gom, tháo dỡ lồng bè chuyển đi nơi khác

Cạn kiệt nguồn thức ăn tự nhiên

Cách đây vài năm, chúng tôi có dịp đến khu vực lòng hồ Thủy điện Ðồng Nai 3, tại đây, trên mặt nước mênh mông, hàng chục nhà bè nuôi cá quây quần lại với nhau giống như một “phố nổi” trên mặt hồ...  Có thời điểm, lòng hồ có hơn 140 hộ nuôi cá lóc bằng lồng, bè, với tổng diện tích trên 3.080 m2 và số lượng cá thả nuôi thường xuyên đạt khoảng 700.000 con.

Thế nhưng, khi chúng tôi trở lại khu vực nuôi cá lồng trước đây, giờ chỉ còn lèo tèo vài ba chiếc nhà bè được các chủ lồng kéo sát vào bờ. Các hộ này cũng đang rục rịch xuất nốt những tấn cá cuối cùng là tháo dỡ lồng đưa lên bờ, từ giã vùng nước đã gắn bó với họ một thời gian dài với nghề cá lồng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thuật ở xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 đã được gần 4 năm. Những năm đầu, theo anh Thuật thì việc nuôi cá rất thuận lợi. Bởi, giá cả ổn định, đến thời điểm xuất bán thì thương lái đến tận bến cá để mua. Môi trường ở đây nuôi cá rất phù hợp, cá mau lớn, chất lượng thịt thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Anh Thuật cho biết, thời gian đầu, nguồn thức ăn tự nhiên như cá sơn, tôm, tép còn nhiều, mỗi đêm bắt được hơn 1 tạ để nuôi cá lóc bông. Với diện tích lồng bè khoảng 200 m2, tôi nuôi khoảng 10.000 con. Có lúc, tôi mới xuất bán hơn 4 tấn với giá gần 37 triệu đồng/tấn, thu lãi hơn một nửa. Có lãi, gia đình tôi dự tính đầu tư thêm để mua con giống về nuôi, cải tạo thêm nhà bè để làm ăn lâu dài. Vậy mà sau gần 4 năm gắn bó với nghề, giờ nguồn cá sơn trong lòng hồ đã cạn kiệt, tôi đành tháo dỡ lồng bè để quay về.

Theo anh Thuật, mấy hôm nay, với 11 cái vó mà anh chỉ cất được 8-9 kg cá mồi thì không đủ cho lồng cá lóc bông hơn 10.000 con ăn. Còn chị Lê Thị Chi, một người có lồng cá gần đó cho hay: “Cứ 1 kg cá lóc bông thì cần 4 kg thức ăn công nghiệp, tiền mua thức ăn xấp sỉ 35.000 đồng. Như vậy, tôi nuôi không có lãi. Do đó, gia đình phải dựa hoàn toàn vào nguồn thức ăn tự nhiên thôi nhưng xem ra cũng ngày càng cạn kiệt”.

Do chủ yếu sử dụng các loại thức ăn sẵn có trên hồ như tép, cá tạp, chỉ bổ sung thêm một ít cám công nghiệp mà số lồng cá tập trung quá lớn nên nguồn cá tạp trong lòng hồ sinh sản không kịp với tốc độ tăng đàn cá nuôi. Trước tình trạng trên, nhiều chủ bè phải vay mượn tiền để mua thức ăn cho cá, nhưng do nguồn nước bị ô nhiễm, cá nuôi chậm lớn, thậm chí bị bệnh nên nhiều chủ bè bị thua lỗ nặng bỏ đi nơi khác kiếm sống.

Cân một giải pháp bền vững

Thời gian qua, số lượng lồng, bè và sản lượng nuôi tăng dần qua các năm nhưng các chủ lồng chủ yếu tập trung vào một giống cá lóc bông để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Khi nguồn lợi tự nhiên hết, người nuôi cá cũng bỏ nghề mà không chuyển sang nuôi các giống cá khác. Mặt khác, các hộ nuôi cá lồng, bè vẫn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, thiếu sự chăm sóc, không có kỹ thuật quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh… nên sản lượng cá nuôi vẫn còn thấp, năng suất chưa cao.

Đồng thời, cơ sở sản xuất giống, dịch vụ nghề nuôi, sản xuất thủy sản yếu kém, công tác khuyến ngư còn hạn chế chưa được đầu tư đúng mức. Do đó, để nghề nuôi cá lồng, bè phát triển, khai thác hiệu quả lợi thế sẵn có từ các hồ chứa, hồ thủy điện, các cấp, ngành chuyên tỉnh và huyện Đắk Glong cần rà soát, xây dựng quy hoạch chi tiết, kêu gọi các dự án đầu tư về nuôi cá lồng bè. Từ đó, các tổ chức, cá nhân mới có thể từng bước khai thác hợp lý các khu vực có hồ chứa, hồ thủy điện và đưa vào nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng đuôi đỏ, cá bống tượng, cá chình...

Ngoài ra, địa phương cần tăng cường công tác quản lý chất lượng cá giống, đặc biệt công tác kiểm dịch cá giống nhập vào tỉnh. Với các xã nằm ven các hồ thủy điện như xã Quảng Khê, Đắk Som, Quảng Sơn… huyện cần mở các lớp đào tạo, tổ chức các đội, nhóm công nhân kỹ thuật để xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất theo hình thức câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản, tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi thủy sản… Qua đó, công tác này sẽ giúp tăng cường việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường nuôi, giữ gìn tài nguyên sinh thái, rừng phòng hộ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện: Nhiều người bỏ cuộc vì thả nuôi thiếu bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO