Nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Kim Ngân| 06/11/2014 10:41

Với điều kiện tự nhiên phù hợp đối với nhiều giống cây trồng nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, những năm qua, huyện Đắk Glong luôn xác định cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, đưa những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, coi đó là cơ sở quyết định để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Gia đình ông Tạ Văn Hạnh ở thôn 3, xã Đắk Ha là một trong những điển hình về việc mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích 2 ha trồng cà phê kém hiệu quả sang trồng quýt đường và đã cho hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Hạnh, sau nhiều năm làm cà phê hiệu quả không cao. Năm 2003, ông đã phá 4 sào cà phê kém năng suất sang trồng 300 cây quýt đường.

Nhận thấy, cây quýt phát triển tốt và có triển vọng, năm 2007 gia đình ông tiếp tục trồng toàn bộ diện tích đất còn lại của gia đình. Đến nay, gia đình ông đã có trên 2.000 cây quýt (tương đương với 2 ha) đang trong giai đoạn kinh doanh.

Hiện, mỗi ngày đều đặn, vườn quýt gia đình ông xuất bán từ 3-4 tấn quả. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, tùy theo mùa vụ, mỗi cây quýt cho năng suất khoảng từ 70 – 150 kg, giá bán trung bình là 15 - 20.000 đồng/kg thì 2 ha quýt đã đưa lại mức thu nhập từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, công chăm sóc, mỗi năm gia đình ông có lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Vườn quýt trên 2 ha của gia đình ông Tạ Văn Hạnh ở thôn 3, xã Đắk Ha (Đắk Glong) mỗi năm cho thu lãi hàng tỷ đồng

Tương tự, gia đình ông K’Song ở thôn 2, xã Quảng Khê cũng đã trồng trên 5 sào chè, cho sản lượng từ 7 – 8 tấn/năm, với giá bán bình quân 7.000 đồng/kg, thì gia đình cũng có thu nhập từ 50 – 60 triệu đồng”. Từ kết quả trên, năm 2010, ngành Nông nghiệp tỉnh phân bổ 160 triệu đồng cho 46 hộ nông dân ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) trồng 4,6 ha chè.

Mỗi hộ tham gia trồng 1 sào trên đất của gia đình và được cấp miễn phí toàn bộ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đến nay, vườn chè của bà con đã cho thu hoạch và nhiều hộ dựa vào nguồn giống hỗ trợ này để mở rộng thêm diện tích, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con.  

Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện thì hiện nay, cây dâu tằm, cây ổi, cây có múi, cây dược liệu được huyện Đắk Glong chú trọng đầu tư cả về số lượng, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường.

Để đạt được kết quả đó, huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường theo dõi, đánh giá tiềm năng, khả năng sinh trưởng phát triển của từng loại cây. Bên cạnh đó, trong những năm qua, địa phương cũng đã đưa những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

Cụ thể như mô hình trồng ngô lai ở xã Đắk R’măng, trồng bơ booth ở xã Quảng Sơn, Quảng Khê, nuôi cá tầm tại lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3… Qua đó, các mô hình này đã góp phần giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập và tham gia tích cực vào chương trình xây dưng nông thân mới tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO