Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Văn Tâm| 05/06/2014 10:41

Huyện Đắk Glong hiện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 58,23% dân số trên địa bàn. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nên đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao.

Theo ông Đàm Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong thì để giúp đồng bào cải thiện đời sống, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực vận động nhân dân tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Nhờ vậy, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện đang từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hóa. Nhiều loại cây trồng mới hiện đang được bà con sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, thay thế cho các loại giống địa phương đã bị thoái hóa, năng suất thấp.

Tuyến đường dân sinh tại thôn 4, xã Đắk Som (Đắk Glong) được bê tông hóa, giúp người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn

Điều đáng chú ý là việc đẩy mạnh công tác khuyến nông về vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương đã giúp cho bà con tiếp cận được với các biện pháp kỹ thuật trong trồng trọt nhiều loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cao su...

Hiện nay, việc sản xuất các loại cây cây ăn quả cũng có xu hướng tăng cao, nhiều vườn cây đã được tập trung thâm canh có chiều sâu bằng cách cải tạo, trồng mới với nhiều chủng loại có giá trị kinh tế cao như cam, quýt, cây mít nghệ, sầu riêng... được trồng chuyên canh và xen canh góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao giá trị kinh tế các loại cây trồng; Đối với các loại cây ngắn ngày cũng có những bước tiến khá tích cực.

Theo Trạm Khuyến nông huyện thì việc chuyển giao các loại giống lúa nước, lúa cạn, ngô năng suất cao về vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp bà con cải thiện đời sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Đến nay, diện tích ngô trên địa bàn huyện đạt 1.600 ha, tăng gần 1.000 ha so với 5 năm trước đây, cây lúa nước có diện tích sản xuất ổn định 2 vụ đạt gần 500 ha, năng suất lúa hàng năm luôn đạt trung bình từ 5,2 -5,6 tấn/ha là nhờ huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa, đập thủy lợi đáp ứng nhu cầu tưới tiêu trong sản xuất.

Huyện đã giúp đồng bào áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cải tạo đàn bò vàng địa phương, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong đầu tư, nhân rộng đàn gia súc. Bên cạnh đó, để giúp đồng bào cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập từng nghề rừng, thời gian qua, công tác giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cho cộng đồng thôn, bon cũng được địa phương đẩy mạnh.

Đến nay, toàn huyện đã giao và tạm giao được 2.250 ha đất rừng cho hộ, nhóm hộ và cộng đồng thôn, bon. Nhờ vậy, đời sống đồng bào từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3-5%.

Bên cạnh đó, những năm qua, huyện Đắk Glong cũng đã được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng thực hiện các chính sách dân tộc. Bằng nội lực của mình, đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện đã đóng góp công lao động, hiến tặng đất đai, tiền và vật liệu trị giá hàng chục tỷ đồng xây dựng các công trình công cộng, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống.

Theo UBND huyện thì tính đến nay, huyện đã huy động được hơn 195 tỷ đồng phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ các nguồn vốn này, UBND huyện đã tập trung đầu tư công tác tuyên truyền, lập đề án, giải ngân cho các thôn, xã trên địa bàn huyện đầu tư xây dựng các công trình giao thông, trường học…

Nhờ vậy, đến nay, kết cấu hạ tầng từng bước được cải thiện, hiện 7/7 xã có đường ô tô đến trung tâm, 75% đường giao thông liên thôn được nhựa hóa, nâng cấp. 7/7 xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 75%.

Các chương trình hỗ trợ sản xuất và đời sống được đẩy mạnh như hỗ trợ đất sản xuất cho 8 hộ với diện tích 4 ha; Làm nhà mới và sửa chữa 599 căn cho 599 hộ, với tổng kinh phí trên 4,2 tỷ đồng và xây dựng 27 giếng nước tập trung, cung cấp vật dụng chứa nước cho trên 4.000 hộ...

Các hạng mục công trình điện, đường, trường, trạm và chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón theo Chương trình 135 giai đoạn II đã giúp cho hàng chục hộ dân được hưởng lợi.

Cùng với phát triển kinh tế, huyện còn chú trọng quan tâm chăm lo đời sống văn hóa cho đồng bào. Mạng lưới trường lớp đã được đầu tư xây dựng đến các thôn, bon. Các chế độ hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được thực hiện hiệu quả.

Việc xây dựng thôn, bon mới trên nền tảng của cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới” được triển khai toàn diện. Theo UBND huyện thì để không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện và phát huy hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn. Bằng chủ trương, chính sách cụ thể, tập trung chăm lo cho đời đồng bào, đó là cơ sở để địa phương phấn đấu đến năm 2015 sẽ thoát khỏi danh sách huyện nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO