Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng: Giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho dân để giữ rừng

Kim Ngân| 03/07/2014 10:17

Theo Ban Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Đùng thì tại những địa điểm nằm gần phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của đơn vị hiện có 3 xã là Đắk Som (Đắk Glong), Phi Liêng và Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng).

ADQuảng cáo

Đây là những xã đông dân cư nên có những có tác động trực tiếp đến bảo tồn đa dạng sinh học của khu bảo tồn. Để bảo vệ được diện tích rừng hiện có, tăng độ che phủ của rừng và bảo vệ môi trường sinh thái thông qua việc ngăn chặn các hiện tượng khai thác, chặt phá, lấn chiếm rừng cũng như xây dựng, phát triển rừng đặc dụng bền vững, đơn vị đã từng bước giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho cộng đồng người dân vùng đệm để tạo thêm thu nhập cho người dân từ rừng thông qua đó nâng cao vai trò, quyền lợi gắn với trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Công tác phòng cháy chữa cháy rừng được Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng diễn tập, ứng phó tình huống kịp thời

Theo đó, năm 2014, đơn vị tiến hành giao khoán bảo vệ cho 167 hộ của 3 xã và chia thành 17 tổ tham gia quản lý tại 17 tiểu khu, với tổng diện tích hơn 7.961 ha. Cùng với đó, đơn vị cũng đã thành lập 6 chốt bảo vệ rừng nhận khoán.

Các tổ nhận khoán được tổ chức luân phiên trực chốt 24/24 giờ để tuần tra bảo vệ rừng tại các vị trí trọng điểm dễ xảy ra các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, săn bắt động vật rừng trái phép… Việc cắt cử người nhận khoán trực chốt, tuần tra bảo vệ rừng do tổ trưởng, tổ phó chịu trách nhiệm và dưới sự đôn đốc, giám sát của Trạm kiểm lâm.

ADQuảng cáo

Các chốt bảo vệ rừng này sẽ nằm dưới sự quản lý, chấm công hàng ngày và điều hành trực tiếp của các trạm kiểm lâm thuộc Khu BTTN Tà Đùng. Đơn vị sẽ căn cứ vào số lượng công chấm trong tháng để chi trả tiền công giao khoán rừng cho từng thành viên trong tổ, nhóm trong từng tháng cụ thể.

Đồng thời, các chốt bảo vệ rừng này ngoài việc tuần tra tại diện tích nhận khoán còn tham gia tuần tra các khu vực khác, trong trường hợp có các điểm nóng, các vụ việc phức tạp xảy ra trong lâm phần của khu bảo tồn có thể kịp thời xử lý. Ngược lại, nếu rừng nhận khoán quản lý bảo vệ trong tổ, đội bị xâm hại thì tuỳ theo mức độ thiệt hại các thành viên trong nhóm, tổ phải bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cũng theo Ban Giám đốc Khu BTTN Tà Đùng thì nguồn kinh phí trả cho các hộ nhận khoán chủ yếu trích từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Dự kiến năm 2014, tổng số tiền cung ứng DVMTR chi trả cho  người dân là 1,8 tỷ đồng.

Có thể nói, thông qua công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng, khu bảo tồn sẽ tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của người dân sống trong vùng dự án, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng hiện có của khu bảo tồn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng: Giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho dân để giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO