Hướng tới giảm nghèo bền vững

Nguyễn Lương| 26/06/2015 10:39

Gia đình chị H’Hồng, ở thôn 3, xã Quảng Khê là một trong những hộ được hưởng lợi từ khi địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTG (QĐ 167) của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Vào năm 2012, gia đình chị được chính quyền địa phương bình xét và hỗ trợ xây dựng nhà ở theo QĐ 167. Ngôi nhà được xây dựng kiên cố, với diện tích gần 60 m2.

Nhớ lại ngày được địa phương trao tặng căn nhà, chị H’Hồng không khỏi bồi hồi: “Khi nhận được quyết định, suốt cả ngày và đêm hôm đó, các thành viên trong gia đình không sao ngủ được vì… mừng. Có được căn nhà mới, gia đình có thêm động lực để làm ăn và gây dựng kinh tế. Năm vừa rồi, nhờ tích góp được một chút vốn, tôi đã cơi nới thêm căn nhà để gia đình sinh hoạt cho rộng rãi”.

Sau khi được hỗ trợ về nhà ở, gia đình chị H’Hồng có thêm động lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo

Không chỉ có gia đình chị H’Hồng, mà thông qua QĐ 167, cũng như sự giúp đỡ của nhiều đơn vị, tổ chức hảo tâm, nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách ở huyện Đắk Glong cũng được xây dựng nhà mới, từ đó, tạo động lực để người dân vươn lên thoát nghèo.

Cùng với việc triển khai QĐ 167, những năm qua, thông qua nguồn vốn đầu tư, phát triển hạ tầng theo Quyết định số 615/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho 7 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao,  nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư, xây dựng.

Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến 2014, thông qua quyết định này, toàn huyện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để triển khai xây dựng nhiều công trình an sinh xã hội. Điển hình như năm 2011, huyện đã đầu tư trên 1,25 tỷ đồng để xây dựng Trường THPT N’Trang Lơng tại xã Quảng Sơn. Từ khi có trường lớp khang trang, con em trên địa bàn xã Quảng Sơn đã có nhiều thuận lợi trong việc học hành.

Cùng với việc đầu tư vốn xây dựng trường học, năm 2012, huyện cũng đã đầu tư 11,2 tỷ đồng để nâng cấp, nhựa hóa 7,8 km đường giao thông liên xã Quảng Khê và Đắk R’măng. Hiện nay, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần nâng cao đời sống của nhân dân ở những địa phương còn nhiều khó khăn này.

Nhằm hỗ trợ địa phương trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, giai đoạn 2011-2015, Đắk Glong đã được UBND tỉnh phê duyệt Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, với vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, địa phương và huy động các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, với số vốn gần 700 tỷ đồng. Địa phương cũng đã, đang vận động nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất làm các công trình phục vụ dân sinh tại các thôn, xã.

Nói về công tác giảm nghèo tại địa phương trong nhiều năm qua, ông Thái Doãn Hợp, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đắk Glong chia sẻ: “Với đặc thù là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khá đông nên để đạt được con số giảm nghèo qua hàng năm luôn là nỗ lực không ngừng của địa phương. Nếu như năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện chiếm 66,94% thì đến đầu 2015, con số đó đã giảm xuống còn hơn 49%”.

Cũng theo ông Hợp, đối với huyện Đắk Glong, ngoài việc giảm nghèo theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách ưu đãi của Nhà nước, qua đó, giúp bà con hiểu và thực hiện cũng luôn là trăn trở của đội ngũ cán bộ phụ trách. Thời gian qua, bên cạnh những chính sách ưu đãi từ Nhà nước, huyện cũng đã tích cực giảm nghèo bằng chính nội lực của người dân.

Theo đó, hàng năm, việc trực tiếp hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất luôn được địa phương chú trọng. Thông qua các lớp tập huấn, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từ đó, nâng cao năng suất cây trồng. Việc thực hiện nghiêm quy trình đánh giá hộ nghèo, cận nghèo một cách chính xác, trên cơ sở phân loại người nghèo, xác định rõ nguyên nhân nghèo và có tác động phù hợp với từng nhóm để tạo hiệu quả thật sự vững chắc cũng luôn được huyện thực hiện nghiêm túc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO