Dự án Oxfam-HK: Tạo sinh kế bền vững cho nông dân nghèo

Văn Tâm| 04/12/2014 09:18

Tuy mới đi vào hoạt động được hơn 3 năm nhưng Ban quản lý Dự án Oxfam-HK huyện Đắk Glong đã triển khai nhiều hoạt động và đem lại những kết quả nhất định. Trong đó, việc giúp nông dân của địa phương chủ động hơn trong sản xuất, thông tin, hội nhập thị trường… đã phát huy hiệu quả, góp phần đưa nhiều hộ gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Hiện nay, hoạt động của Oxfam - HK tập trung chủ yếu tại 6 xã là Đắk Som, Đắk R’măng, Đắk P’lao, Quảng Hòa, Quảng Sơn và Quảng Khê với mục tiêu chủ yếu là giúp bà con có cuộc sống vật chất, tinh thần tốt hơn thông qua việc nâng cao vị thế đàm phán của người nông dân trong các giao dịch xã hội.

Điều quan trọng hơn nữa là việc thực hiện chương trình này được huyện lồng ghép với các chương trình khác của Chính phủ như 30a, 135... để đem lại kết quả cao nhất.

Trong chương trình sinh kế, các cán bộ của Dự án hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nông nghiệp bền vững. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu của địa phương, Dự án sẽ cùng bà con tìm ra hướng tiếp cận thị trường hiệu quả, từ đó tiêu thụ sản phẩm nông sản dễ dàng với giá có lợi nhất.

Đơn cử như từ tháng 3/2011, Dự án đã bắt đầu tổ chức thành lập 3 nhóm nông dân là nhóm Bình Phú, nhóm Thành Công tại xã Đắk R’măng và nhóm Quyết Tâm vượt khó, xã Đắk Som, phương thức hoạt động là giúp bà con tiếp cận, lồng ghép, thử nghiệm các mô hình sinh kế bền vững cho người nghèo như mô hình trồng chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cà phê, hồ tiêu, trồng sắn trên đất dốc, tiêu thụ nông sản, chăn nuôi heo, gà thả vườn… Đến nay, huyện đã có 8 nhóm hộ ra đời với hơn 200 thành viên tại các xã được hưởng lợi từ Dự án.

Chị Chu Thị Thủy, nhóm Bình Phú xã Đắk R’măng cho biết: “Từ khi tham gia vào sinh hoạt nhóm, tôi thấy mình làm chủ được cuộc sống, biết cách tính toán, tích lũy đồng vốn”.

Còn ông Lang Mạnh Hùng cũng ở nhóm Bình Phú thì từ ngày tham gia vào nhóm chăn nuôi heo, không chỉ được Dự án Oxfam-HK hỗ trợ vốn, con giống để phát triển chăn nuôi kết hợp với trồng trọt mà ông còn có điều kiện nâng cao trình độ sản xuất, có thêm kinh nghiệm trong việc phòng trị bệnh cho vật nuôi, mạnh dạn đầu tư cho mô hình sản xuất mới. Đến nay, gia đình ông thường xuyên có trong chuồng 3 con heo nái sinh sản, 50 - 60 con gà thả vườn, ngoài ra còn trồng 1,5 ha cà phê, 3 sào tiêu...

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, cán bộ chương trình Oxfam-HK Đắk Nông thì thị trường vì người nghèo là chương trình mới của Dự án Oxfam-HK triển khai nhằm giúp nông dân, nhất là nhóm đồng bào dân tộc, đưa sản phẩm ra thị trường dễ dàng hơn, bền vững hơn. Tại huyện Đắk Glong, bà con các dân tộc thiểu số đã được tham gia lớp tập huấn, các cuộc đàm phán về giá cả, đầu ra với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh…

Ông Mai Văn Tùng, Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho biết: “Qua hơn 3 năm triển khai các hoạt động, dự án đã đưa lại nhiều kết quả. Ngoài việc giúp bà con nâng cao trình độ sản xuất thì dự án còn giúp bà con có suy nghĩ độc lập, tự tin, chủ động trong giao tiếp, không còn ngần ngại xa lánh với người lạ… là một thành công lớn. Với những gì đã được trang bị, những gì các tổ nhóm đã làm được, tôi rất tin và đặt rất nhiều hy vọng vào chương trình này. Vì đây sẽ là hướng phát triển mới để các cấp, ngành có thể nhân rộng và áp dụng vào các chương trình, dự án khác nhằm triển khai trên địa bàn huyện, giúp kinh tế, xã hội của địa phương phát triển theo hướng bền vững hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Oxfam-HK: Tạo sinh kế bền vững cho nông dân nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO