Đẩy mạnh quản lý, bảo vệ rừng và khai thác khoáng sản vùng giáp ranh

Lê Dung| 09/06/2016 09:58

Huyện Đắk Glong (Đắk Nông) có 4 xã gồm: Đắk Som, Đắk R’măng, Quảng Sơn và Quảng Hòa nằm giáp ranh với huyện Đam Rông (Lâm Đồng).

ADQuảng cáo

Để công tác quản lý, bảo vệ rừng và khai thác khoáng sản ở những khu vực này được diễn ra thuận lợi, thời gian qua, các ngành chức năng của hai địa phương đã có sự phối hợp trong việc trao đổi thông tin cũng như xử lý các vụ việc.

Lãnh đạo 2 huyện Đắk Glong (Đắk Nông) và Đam Rông (Lâm Đồng) ký kết quy chế phối hợp

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện thì Đắk Glong là địa phương có diện tích tiếp giáp với 4 huyện của tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, đối với huyện Đam Rông thì trong thời gian qua, tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép dọc phân giới hai địa phương diễn ra rất phức tạp. Đặc biệt, người dân của hai địa phương còn có sự xâm lấn qua lại về tài nguyên rừng và khoáng sản trong thời gian dài.

Để cùng quản lý tốt nguồn tài nguyên trên, hai địa phương, các xã cũng như các đơn vị chủ rừng vùng giáp ranh cũng đã có sự phối hợp để thực hiện nhiệm vụ thông qua những quy chế riêng… Trên thực tế, qua hoạt động phối hợp, ngành chức năng của hai địa phương đã từng bước chấn chỉnh được các hoạt động khai thác lâm sản, khoáng sản trái pháp luật, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên vùng giáp ranh của mỗi huyện.

Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, UBND huyện Đam Rông đã tổ chức được 18 đợt giải tỏa tại các khu vực giáp ranh với huyện Đắk Glong. Qua đó, địa phương đã tạm giữ và phá hủy nhiều tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, gồm: 6 máy đào, 1 heo dầu, 8 tàu vàng, 9 máy đào, 73 máy nổ, 21 máng đãi, 55 lán trại, 4 máy phát điện, hàng trăm mét ống nước các loại…

Nổi cộm nhất là giữa năm 2012, Đoàn kiểm tra liên ngành của hai địa phương đã phối hợp trong việc giải tỏa hoạt động khoáng sản tại dòng sông Đạ R’măng, tiểu khu 178, xã Liêng Srônh (huyện Đam Rông). Vào cuối năm 2012, UBND hai huyện cũng đã phối hợp trong việc tạm giữ, di chuyển 3 máy đào khai thác khoáng sản trái phép tại tiểu khu 197 ở xã Liêng Srônh đưa về huyện Đam Rông để xử lý… Nhờ các đợt giải tỏa kiên quyết, triệt để đó nên đến nay, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại các khu vực giáp ranh đã tương đối được ổn định, không còn xảy ra các điểm nóng.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, do sự phối hợp mang tính đơn lẻ, chưa bài bản nên tình trạng trên vẫn còn diễn ra nhiều. Trong đó, hoạt động trao đổi thông tin để nắm bắt tình hình và tổ chức giải tỏa chưa được các bên thực hiện thường xuyên nên hiệu quả mang lại chưa cao. Đặc biệt, ở hầu hết hoạt động khai thác khoáng sản quý hiếm trái phép đều xảy ra trên đất lâm nghiệp và các khu vực dự án thuộc những địa bàn xa xôi, hẻo lánh, địa hình phức tạp nên gây ra không ít khó khăn cho lực lượng chức năng của hai huyện.

Các đối tượng khai thác trái phép cũng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận đồng bào Mông để gây cản trở, khó khăn cho công tác giải tỏa… Mặt khác, hiện nay, ở huyện Đắk Glong không chỉ có diện tích rừng sản xuất, rừng phòng hộ, mà còn có cả diện tích rừng đặc dụng nên công tác phối hợp trong việc quản lý, bảo vệ rừng ở những khu vực giáp ranh này là rất cần thiết…

Vì vậy, để nâng cao công tác chỉ đạo, lãnh đạo đồng bộ, nhịp nhàng trong việc ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng và khai thác khoáng sản, mới đây, UBND hai huyện Đắk Glong và Đam Rông đã ký kết quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng và khai thác khoáng sản khu vực giáp ranh.

Theo đó, Hạt kiểm lâm hai huyện sẽ tăng cường phối hợp thực hiện chức năng tham mưu cho UBND huyện trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp ở vùng giáp ranh và tăng cường tuần tra để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những đối tượng có hành vi vi phạm luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Các ngành liên quan như: Kiểm lâm, tài nguyên & môi trường, chủ rừng và UBND các xã vùng giáp ranh phải xác định được cụ thể những khu vực trọng điểm về phá rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép, những khu vực, địa điểm cất giấu lâm sản, khoáng sản trái phép trong khu dân cư để có kế hoạch triệt phá.

Bên cạnh đó, quy chế cũng đã nêu cao trách nhiệm của các địa phương cũng như các ngành liên quan trong việc phối hợp thực hiện công việc. Trong đó, chính quyền các xã ở vùng giáp ranh hai huyện phải chịu trách nhiệm khi để dân địa phương phá rừng và khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép cũng như mua bán, cất giữ lâm sản, khoáng sản trái phép trong khu vực dân cư. Nếu tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép trên đường thường xuyên hoặc trở thành điểm nóng mà không kịp thời ngăn chặn, xử lý thì lực lượng Kiểm lâm phải chịu trách nhiệm.

Trong quy chế cũng nêu rõ, việc trao đổi, xử lý thông tin giữa hai bên phải bảo đảm bí mật, kịp thời và chính xác; đồng thời, từng đơn vị, từng cấp, từng ngành định kỳ sẽ tổ chức giao ban để đánh giá, rút kinh nghiệm, giúp cho công tác phối hợp quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên ở những khu vực giáp ranh của hai địa phương ngày một tốt hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh quản lý, bảo vệ rừng và khai thác khoáng sản vùng giáp ranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO