Đắk Glong tập trung nguồn lực để phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn

Nguyễn Lương thực hiện| 26/06/2015 10:44

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập huyện (27/6/2005-27/6/2015), phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đặng Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đắk Glong về những thành quả đạt được, cùng những định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.

PV: Sau 10 năm thành lập, huyện Đắk Glong đã vượt qua không ít khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu về các mặt. Ông có thể cho biết những thành quả nổi bật trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện sau 10 năm thành lập?

Ông Phạm Đặng Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đắk Glong

Ông Phạm Đặng Quang: Có thể khẳng định rằng, sau 10 năm thành lập, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ và nhân dân huyện Đắk Glong đã đoàn kết, vượt qua nhiều thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Kinh tế không ngừng phát triển, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 13,62%. Trong đó, sản xuất nông nghiệp đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, cũng như thu nhập cho nông dân.

Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp chất lượng cao như thanh long ruột đỏ, ổi Đài Loan, trồng dâu nuôi tằm. Ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản cũng phát triển khá. Đặc biệt, người dân đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, cũng như phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.

Về lâm nghiệp, trong 10 năm qua, huyện đã tổ chức giao khoán hơn 5.000 ha rừng cho các hộ, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng thôn, bon quản lý, đồng thời đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất, góp phần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng luôn được địa phương duy trì và phát triển, với mức tăng trưởng bình quân đạt 15%/năm. Ngoài ra, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn cũng tăng lên qua từng năm, với mức tăng bình quân là 12%/năm.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội luôn được địa phương quan tâm và có nhiều khởi sắc. Các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phòng chống bạo lực gia đình… triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả nổi bật. Tỷ lệ trẻ em đến trường không ngừng tăng cao, đời sống nhân dân từng bước cải thiện, thu nhập bình quân trên đầu người tăng lên theo hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo đúng mục tiêu đề ra. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, các chính sách an sinh xã hội cũng được địa phương quan tâm triển khai thực hiện.

PV: Một trong những thành tựu lớn dễ nhận thấy đó là bộ mặt của huyện Đắk Glong đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là hạ tầng kinh tế kỹ thuật. Ông đánh giá thế nào về lĩnh vực này?

Ông Phạm Đặng Quang: Đúng vậy. Một trong những thành tựu lớn mà địa phương đạt được, đó là sự thay đổi lớn về hệ thống cơ sở hạ tầng. Minh chứng là hàng loạt các công trình trọng điểm như hệ thống đường giao thông, trường học, trụ sở cơ quan, nhà văn hóa cộng đồng, hệ thống điện nông thôn… đã được đầu tư, xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội cho người dân. Để tập trung cho lĩnh vực này, thông qua nguồn vốn nhiều chương trình, trong giai đoạn 2005-2015, huyện đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng để phân bổ, bố trí kịp thời cho các công trình, dự án.

Trên cơ sở các nguồn vốn phân bổ, cũng như nhu cầu hạ tầng của các địa phương, một mặt huyện tập trung ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực quan trọng như giao thông, thủy lợi, y tế, trường học. Mặt khác, địa phương từng bước đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống giao thông, đường liên huyện, liên xã, liên thôn. Trong đó, huyện đã ưu tiên các công trình quan trọng, có tính chiến lược, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội.

Đặc biệt, vừa qua, xã Quảng Khê đã được công nhận là đô thị loại V. Hiện tại, công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết thị trấn Quảng Khê đến năm 2025 đã được huyện hoàn tất thủ tục trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng là thành tựu nổi bật trong 10 năm qua của huyện Đắk Glong

PV: Để đạt được những thành tựu trên, bài học kinh nghiệm rút ra là gì, thưa ông?

Ông Phạm Đặng Quang: Ngay sau khi được thành lập, Đảng bộ huyện đã xác định nhiệm vụ trọng tâm cần lãnh đạo và chỉ đạo một cách xuyên suốt đó là tập trung công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, nhằm đảm bảo tính chiến lược trong quá trình phát triển. Tập trung chăm lo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp từ huyện đến cơ sở. Trên cơ sở này, huyện quán triệt sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh, từ đó, cụ thể hóa thành các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, cũng như xác định vấn đề trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Đối với từng lĩnh vực, ngành nghề, hàng năm, huyện xác định mục tiêu cụ thể, từ đó, chỉ đạo các phòng, ban triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đề ra. Còn đối với từng địa bàn, huyện xác định tiềm năng, lợi thế để tập trung nguồn lực phát triển phù hợp theo mỗi giai đoạn. Đảng bộ huyện luôn chú trọng công tác xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, nhằm làm tiền đề để phát triển kinh tế, xã hội.

PV: Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng trân trọng, nhưng Đắk Glong vẫn đang còn đối mặt với nhiều khó khăn. Xin ông cho biết, đâu là lĩnh vực được địa phương xác định là mũi nhọn để tiếp tục đưa kinh tế phát triển?

Ông Phạm Đặng Quang: Đối với đặc thù của địa phương thì nông, lâm nghiệp là lĩnh vực mũi nhọn mà huyện đã xác định sẽ tập trung mọi nguồn lực, nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Trong những năm tiếp theo, huyện sẽ tập trung thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020.

Địa phương sẽ khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cũng như phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hợp tác xã, tổ hợp tác có mức độ chuyên môn hóa và thâm canh cao. Việc nâng cao chất lượng vùng chuyên canh cây ăn trái, lúa, bắp và các loại cây lợi thế sẽ được địa phương chú trọng.

Huyện sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện chương trình cây, con chủ lực, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, coi trọng thâm canh; đồng thời, nâng cao năng suất cây trồng, sử dụng giống lúa mới và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sẽ được đẩy mạnh. Riêng đối với nuôi trồng thủy sản, huyện sẽ chú trọng phát triển theo hướng nuôi trồng những giống thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh nông nghiệp, trong lĩnh vực lâm nghiệp, địa phương sẽ tập trung quản lý, bảo vệ vốn rừng vốn có; đồng thời, đẩy mạnh công tác trồng rừng, trồng cây lâu năm. Quá trình giao đất, giao rừng, giao khoán lâm nghiệp, cải tạo rừng kém hiệu quả… sẽ được chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong tập trung nguồn lực để phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO