Đắk Glong quyết tâm giúp người dân vươn lên thoát nghèo

Lê Dung| 08/10/2020 08:45

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 27/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông về công tác giảm nghèo bền vững, đến nay, bộ mặt nông thôn tại huyện Đắk Glong đã có nhiều thay đổi tích cực, đời sống người dân được nâng lên.

ADQuảng cáo

Tác động của các chính sách giảm nghèo

Theo UBND huyện Đắk Glong, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn trong giai đoạn 2016-2020 giảm bình quân 5,32%/năm. Thu nhập bình quân của người lao động đều tăng qua các năm, với 25,9 triệu đồng vào năm 2019.

Các chính sách giảm nghèo đã hỗ trợ người dân đầu tư vốn phát triển sản xuất hiệu quả

Kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo hàng năm của huyện cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 21,75%, từ mức 62,19% của năm 2016 xuống còn 40,9% năm 2019. Tổng số hộ gia đình thoát nghèo trong giai đoạn 2016-2020 của toàn huyện là 3.888 hộ. Thu nhập bình quân của các hộ nghèo, cận nghèo đều được nâng lên qua các năm, tăng từ 4,78 triệu đồng (năm 2015) lên 7,23 triệu đồng (năm 2019).

Từ nay đến cuối năm 2020, Đắk Glong phấn đấu sẽ đưa 3 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, gồm: Quảng Khê, Quảng Sơn và Đắk Ha. Hiện nay, địa phương đang tập trung mọi nguồn lực đầu tư vào 3 xã trên, nhằm bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra…    

Có được kết quả trên, chính là nhờ huyện kịp thời triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo. Thông qua các chương trình, dự án, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn của huyện như: Đường giao thông, kênh mương tưới tiêu, lớp học… được hỗ trợ đầu tư. Qua đó tạo điều kiện cho người dân cải thiện sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình và vươn lên thoát nghèo.

Các chương trình mục tiêu quốc gia đã đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân và chính người nghèo, cận nghèo tích cực tham gia.

Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo như: Chính sách y tế, giáo dục, tín dụng, khuyến nông-lâm, nước sinh hoạt, xóa nhà tạm - dột nát; hỗ trợ vay vốn xuất khẩu lao động… đã giải quyết được những khó khăn của người nghèo, giúp các hộ tiếp cận được các dịch vụ cơ bản của xã hội, thuận lợi trong làm ăn, sinh sống.

Đường nông thôn ở xã Quảng Khê được đầu tư xây dựng giúp người dân thuận lợi đi lại sinh hoạt và sản xuất

ADQuảng cáo

Nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo

Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh, nhưng hiện nay, số hộ nghèo hàng năm phát sinh tương đối nhiều. "Bài toán" này đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác giảm nghèo của huyện trong thời gian tới.

Qua kết quả rà soát cho thấy, hộ nghèo trên địa bàn huyện đa phần là nghèo về thu nhập, hàng năm chiếm từ 78,44%-84,45% trong tổng số hộ nghèo toàn huyện. Cơ cấu hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số hộ nghèo, cận nghèo hàng năm của địa phương, với 79,3% của hộ nghèo và 60,43% của hộ cận nghèo vào năm 2019.

Nguyên nhân nghèo tại địa phương được đánh giá chủ yếu là do: Thiếu vốn sản xuất chiếm 50,69%; thiếu đất sản xuất: 12,59%; thiếu phương tiện sản xuất: 24,89%; thiếu lao động, đông người ăn theo, ốm đau, bệnh tật… chiếm 6,22%; thiếu việc làm: 0,68%; không biết cách làm ăn, thiếu tay nghề: 4,87%; chây lười lao động: 0,07%. Số hộ nghèo trên địa bàn phát sinh vẫn ở mức cao, do dân di cư tự do từ các nơi khác đến đa phần là hộ nghèo, do tách hộ từ hộ nghèo và hạn hán, thiên tai, dẫn đến một số hộ bị tái nghèo…

Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc ở xã Quảng Hòa mới được đầu tư xây dựng và nâng cấp lên bán trú, giúp người dân yên tâm gửi con em, tập trung thời gian lao dộng sản xuất

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo vào cuối năm 2019, toàn huyện có 6.846 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 40,9%. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, số hộ nghèo toàn huyện sẽ còn 4.487 hộ, chiếm tỷ lệ 27,1%. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện phải giảm trên 13%, tương ứng với số hộ giảm trên 2.359 hộ…

Để đạt được mục tiêu trên, huyện luôn xác định, hỗ trợ nhà ở và tín dụng ưu đãi là 2 chính sách quan trọng giúp người dân ổn định cuộc sống và có nguồn lực để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Vì vậy, trong giai đoạn 2020-2025, từ các nguồn lực, huyện sẽ quan tâm hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, dột nát, để các hộ nghèo được ổn định nơi ăn, chốn ở.

Địa phương sẽ lồng ghép các chương trình, nguồn vốn để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nhất là tăng nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện nay, một số xã trên địa bàn đang có dư nợ cao nhất trong cả nước như Quảng Sơn, Quảng Khê, với vốn vay bình quân từ 40-50 triệu đồng/hộ nghèo. Điều này cho thấy, nguốn vốn vay ưu đãi đang đến gần hơn với người nghèo. Song song với đó, tỷ lệ nợ xấu, nợ khoanh trên địa bàn cũng tương đối thấp, chỉ với 0,17%. Đây chính là động lực để thời gian tới thúc đẩy hoạt động cho vay và làm tốt hơn công tác giám sát, quản lý hiệu quả dòng vốn trên địa bàn.

Cùng với đó, những giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn như đường giao thông nội đồng, hồ đập, công trình nhà văn hóa, hội trường thôn, cơ sở vật chất trường học, nhất là các khu bán trú… sẽ tiếp tục được huyện quan tâm lồng ghép thực hiện. Từ đó giúp người dân thuận lợi hơn trong sinh hoạt, sản xuất và yên tâm gửi con em, để có thời gian tập trung làm ăn.

Theo đồng chí Vũ Tá Long, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, để giảm nghèo bền vững và đạt kế hoạch đề ra, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc tự vươn lên thoát nghèo, không để trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với hoạt động này, huyện cũng sẽ đưa ra nhiều giải pháp để bản thân mỗi người nghèo tự xác định rõ được vai trò, trách nhiệm của mình và quyết tâm sớm thoát nghèo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong quyết tâm giúp người dân vươn lên thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO