Đắk Glong cụ thể hóa các khâu tập trung của Nghị quyết Đại hội

Lê Dung| 05/11/2020 09:34

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đắk Glong (Đắk Nông) nhiệm kỳ 2020-2025 xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là khâu tập trung quan trọng trong mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngay sau Đại hội, Ban Thường vụ huyện ủy Đắk Glong đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01 để triển khai thực hiện khâu tập trung này.

Nhận diện rõ những yếu kém

Đắk Glong hiện có tổng diện tích 99.836,28 ha rừng và đất rừng quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp; trong đó: Diện tích có rừng 61.445,27 ha; diện tích đất không có rừng quy hoạch lâm nghiệp 38.381,01 ha; tỷ lệ độ che phủ rừng năm 2019 là 43,09%.

Rừng bị phá, lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp tại lâm phần của HTX Hợp Tiến

Đồng chí Trần Nam Thuần, Phó Bí thư Huyện ủy Đắk Glong cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.

Huyện đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban ngành. Từ đó, huyện từng bước giảm dần các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật trên địa bàn huyện, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động; đồng thời, nâng cao ý thức tuân thủ, tôn trọng pháp luật của người dân tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…

Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật, tranh chấp đất rừng ngày càng diễn biến phức tạp. Số vụ vi phạm phá rừng, lấn, chiếm đất rừng còn xảy ra.

Nhiều lúc, nhiều nơi các vụ việc phá rừng chưa được phát hiện và xử lý triệt để. Công tác giao rừng, cho thuê rừng tại các địa phương triển khai thực hiện chậm. Việc khôi phục, trồng mới rừng manh mún, thiếu đồng bộ.

Đặc biệt, việc chấp hành Luật Lâm nghiệp của người dân chưa cao. Tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng ngày càng tinh vi. Việc tổ chức lôi kéo, tụ tập đông người cản trở, chống đối người thi hành công vụ vẫn còn diễn ra, gây bức xúc trong xã hội…

Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Glong xác định, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên, trước hết là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm. Nhiều người dân còn xem nhẹ tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống và môi trường sinh thái nên lợi dụng phá rừng, lấn, chiếm đất để bán, sang nhượng nhằm thu lợi bất hợp pháp.

Tình trạng dân di cư từ nơi khác đến chưa được kiểm soát tốt và quản lý chặt chẽ. Các vụ phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật đã được xử lý nhưng chưa triệt để, chưa có các biện pháp mạnh để cưỡng chế buộc người vi phạm phải trả lại đất lấn, chiếm trái phép.

Trong khi đó, diện tích rừng và đất rừng lớn, địa bàn rộng, địa hình chia cắt phức tạp. Dân cư trên địa bàn đa số là người dân tộc thiểu số (chiếm trên 60%), làm cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý đất rừng trên địa bàn gặp nhiều khó khăn…

Kiềm chế phá rừng, lấn chiếm đất rừng

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, ngay sau thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm vụ 2020-2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Glong đã sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01 “Về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”.

Theo tinh thần Nghị quyết, phấn đấu trong giai đoạn 2020 - 2025, 100% các vụ vi phạm phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trên địa bàn sẽ được phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý, cưỡng chế giải tỏa theo quy định pháp luật.

Bám sát mục tiêu này, địa phương sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán, chế biến lâm sản trái phép.

Huyện kiên quyết truy quét, cưỡng chế di dời, giải tỏa phá bỏ cây trồng, công trình xây dựng trái phép trên đất rừng, buộc người vi phạm phải trả lại diện tích đất do phá rừng, lấn, chiếm trái phép cho đơn vị chủ rừng quản lý, phục hồi tái sinh, trồng lại rừng theo quy định.

Huyện phấn đấu đến năm 2025, tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng cơ bản phải được ngăn chặn và kiểm soát.

Nghị quyết chuyên đề cũng xác định, đến năm 2025, 100% tổng diện tích rừng do địa phương quản lý được thực hiện giao rừng, cho thuê rừng theo quy định. Theo đó, địa phương sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng tại các địa phương để có biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả.

Một trong những giải pháp được lựa chọn cho việc thực hiện mục tiêu này là huyện sẽ đẩy mạnh xã hội hóa công tác lâm nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế, toàn xã hội cùng tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó vừa quản lý, sử dụng có hiệu quả, bền vững tiềm năng, lợi thế về rừng và đất rừng, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Trong giai đoạn 2020-2025, huyện phấn đấu sẽ trồng được 2.000 ha (trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán) và tái sinh rừng tự nhiên. Huyện bảo đảm đến năm 2025, tăng thêm độ che phủ rừng toàn huyện lên 0,91% (tương ứng 1.320 ha), độ che phủ rừng của huyện đạt 44%.

Đồng chí Trần Nam Thuần cho biết thêm, Nghị quyết chuyên đề đầu tiên này sớm được ban hành đã thể hiện quyết tâm chính trị lớn của toàn Đảng bộ và Nhân dân huyện Đắk Glong trong việc quản lý và ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng. Từ đó góp phần bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng trên địa bàn một cách hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong cụ thể hóa các khâu tập trung của Nghị quyết Đại hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO