Chất lượng nguồn nhân lực ở Đắk Glong đang từng bước được nâng cao

Kim Ngân| 09/10/2014 10:06

Thực hiện Nghị quyết số 05 – NQ/TU, ngày 10/8/2011 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực, huyện Đắk Glong đã có nhiều giải pháp tích cực, góp phần giúp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn nghề nghiệp và nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ…

Theo đó, trong 3 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành, đoàn thể trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh học nghề, dạy nghề, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề đến việc triển khai, lồng ghép nhiệm vụ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện là nơi tạo nguồn nhân lực của địa phương

Tính từ năm 2011 đến nay, huyện Đắk Glong đã đào tạo nghề cho 1.512 lao động, bình quân 504 lao động/năm. Bên cạnh đó, huyện cũng đã giải quyết việc làm cho 1.375 lao động, đăng ký cho 15 trường hợp sang thị trường Hàn Quốc lao động.

Nhờ vậy, đến hết năm 2013, toàn huyện có 29,5% lao động được đào tạo nghề, tăng 9,5% so với kế hoạch đề ra, từ đó, cơ cấu lao động cũng có sự chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động trong nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 91,7%, xuống còn 83,2%; tỷ lệ lao động công nghiệp, xây dựng tăng từ 2,3% lên 6,1%, lao động dịch vụ tăng từ 6% lên 10,7%...

Về tạo nguồn cán bộ trẻ, năm 2011, huyện đã lựa chọn và giới thiệu 19 cán bộ để tỉnh quy hoạch vào danh sách cán bộ nguồn. Hiện nay, có 12 trường hợp được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm giữ các chức vụ mới ở các ban, ngành của huyện và lãnh đạo cấp xã. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, huyện đã xây dựng và ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2013 – 2015 và kế hoạch đào tạo hành năm.

Đồng thời, địa phương cũng thường xuyên triển khai các khóa đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, phù hợp với tình hình thực tế, góp phần từng bước nâng cao năng lực công tác của cán bộ. Tính từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 43 người tham gia các khóa đào tạo trình độ đại học, 4 người được đào tạo sau đại học, 25 người tham gia đào tạo trung cấp lý luận chính trị, 6 người tham gia đào tạo cao cấp lý luận chính trị…

Hầu hết số cán bộ công chức được tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển đều có trách nhiệm với công việc và vị trí công tác được giao. Đội ngũ cán bộ công chức cấp xã được quy hoạch, đào tạo và rèn luyện từ thực tiễn, có phẩm chất đạo đức, chính trị và ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, góp phần đưa hoạt động của cấp xã có chuyển biến và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, huyện Đắk Glong cũng đẩy mạnh xã hội hóa về đào tạo nguồn nhân lực, chủ động bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân để nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị thực hiện chức năng đào tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Không những thế, việc chú trọng hoạt động xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân cũng được huyện quan tâm đúng mức.

Trong 3 năm qua, việc triển khai các chỉ tiêu về hoàn thành phổ cập giáo dục trên địa bàn huyện được tập trung chỉ đạo và đạt được kết quả nhất định. Cụ thể, năm học 2014 – 2015, toàn huyện có 2.826 trẻ dưới 5 tuổi đến trường, đạt tỷ lệ 93,9% và có 96% trẻ em vào lớp 1 đúng độ tuổi.

Cùng với đó, ở một số xã, thị trấn bước đầu đã thành lập trung tâm học tập cộng đồng, nhằm phổ biến, tư vấn các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nghìn người dân được phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao trình độ dân trí, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, có thể nói, nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và người dân trên địa bàn về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện Đắk Glong được nâng cao. Qua đó, việc quản lý nguồn nhân lực, quản lý lao động đã đi vào nền nếp và có nhiều đổi mới, cơ cấu nhân lực qua đào tạo ngày càng hợp lý hơn, một bộ phận lao động đã tiếp cận được với tiến bộ công nghệ ở nhiều lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng nguồn nhân lực ở Đắk Glong đang từng bước được nâng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO