Cơ sở thương mại - dịch vụ ngày càng đồng bộ

Lê Phước| 29/05/2019 09:24

Những năm gần đây, cơ sở thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện Cư Jút (Đắk Nông) từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của Nhân dân.

Trước đây, khu đất bằng phẳng ven quốc lộ 14, đoạn đi qua trung tâm xã Tâm Thắng (Cư Jút) là trụ sở của UBND xã Tâm Thắng. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã đã di dời trụ sở vào sâu bên trong, nhường mặt bằng để xây dựng các công trình khác. Khu đất này sau đó được đầu tư kinh phí để xây dựng lên khu chợ tập trung của xã.

Chợ xã Tâm Thắng (Cư Jút) được đầu tư xây dựng khang trang

Theo Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng Trần Thế Quang, chợ được xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng năm 2017 với tổng kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Hiện tại, có 85 hộ kinh doanh, buôn bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng… tại chợ với giá trị giao dịch khoảng 100 triệu đồng/ngày. Ngoài việc thành lập Ban Quản lý chợ để sắp xếp, bố trí các ngành hàng trong chợ một cách bài bản, khoa học, xã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn bảo đảm công tác phòng chống cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ.

Trong chương trình xây dựng NTM, chợ xã Nam Dong được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ cuối năm 2016. Theo Chủ tịch UBND xã Nam Dong Bùi Trọng Tuấn, hiện nay Nam Dong có hơn 17.000 người, thuộc diện xã đông người của huyện. Do đó, nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của Nhân dân trong xã rất lớn. Từ khi chợ mới đi vào hoạt động, việc kinh doanh, mua bán của bà con đã thuận lợi hơn rất nhiều. Các mặt hàng tại chợ ngày càng đa dạng, đáp ứng cơ bản đầy đủ các nhu cầu, dịch vụ thiết yếu của Nhân dân trong và ngoài xã.

Các cơ sở thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện Cư Jút đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của Nhân dân

Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cư Jút Tạ Bửu Đức cho biết, hiện tại, toàn huyện có 6/8 xã, thị trấn có chợ buôn bán tập trung. Xã Trúc Sơn và xã Cư K’nia dù chưa có chợ nông thôn nhưng đều là xã gần trung tâm huyện và trung tâm xã Đắk D’rông nên thuận tiện cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa của Nhân dân. Bên cạnh đó, trên địa bàn 2 xã này đều có hệ thống cơ sở bán lẻ khác (siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh tổng hợp…) đạt chuẩn. Do đó, huyện đã chỉ đạo linh hoạt các địa phương thực hiện tiêu chí này nhằm giảm áp lực xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tạo điều kiện cho các xã tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thành các tiêu chí khác trong quá trình xây dựng NTM. Từ nay đến năm 2020, huyện Cư Jút có chủ trương sẽ bố trí kinh phí nâng cấp chợ xã Đắk D’rông để xã này đạt chuẩn tiêu chí về chợ và phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn.

Theo thống kê của UBND huyện Cư Jút, toàn huyện hiện có gần 3.000 cơ sở thương mại - dịch vụ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu hoạt động thương mại - dịch vụ mỗi năm tăng trưởng trung bình trên 10% và đạt trên 2.600 tỷ đồng trong năm 2018.

Ngoài các chợ nông thôn, trên địa bàn thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) hiện có Khu phức hợp Thương mại - Dịch vụ Tất Thắng của Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng. Với kinh phí đầu tư 60 tỷ đồng, đây là một trung tâm thương mại, khu kinh doanh dịch vụ tổng hợp gồm: Siêu thị, khu vui chơi giải trí, nhà hàng ăn uống… Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, khu phức hợp đã trở thành một “điểm nhấn” về thương mại - dịch vụ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.

Những năm gần đây, số lượng cơ sở thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện Cư Jút có tốc độ tăng trưởng khá ổn định. Nhìn chung, nhu cầu hàng hóa của người dân trên địa bàn huyện được cung ứng đầy đủ, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa hay tăng giá đột biến. Các cơ sở thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện ngày càng được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất, mua bán ngày càng đa dạng của người dân địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở thương mại - dịch vụ ngày càng đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO