Phạm vi của vùng đặc quyền về kinh tế

Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông| 29/07/2014 08:57

Công ước năm 1982 lần đầu tiên đã xác định rõ quốc gia ven biển có các quyền thiết lập vùng đặc quyền về kinh tế.

ADQuảng cáo

Điều 57 của Công ước về chiều rộng của vùng đặc quyền về kinh tế nêu rõ:

“Vùng đặc quyền kinh tế không mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải”.

Như vậy, vùng đặc quyền về kinh tế là một vùng biển kế cận với bờ biển của một quốc gia ven biển và không được mở rộng quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Cơ sở kỹ thuật để xác định chiều rộng vùng đặc quyền kinh tế là giống như cơ sở dùng để xác định chiều rộng của lãnh hải. Chúng ta biết rằng Công ước của Liên Hợp Quốc đã đưa ra những quy định chặt chẽ trong việc xác định hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của một quốc gia ven biển (Điều 5, Điều 7).

Theo yêu cầu của Công ước, đường cơ sở của mỗi quốc gia phải được vạch ra theo đúng quy định trong Công ước. Nói một cách khác, ranh giới ngoài của lãnh hải cũng như của vùng đặc quyền kinh tế phải được xác định trên cơ sở một hệ thống đường cơ sở được quốc gia ven biển thiết lập theo Công ước.

ADQuảng cáo

Điều 55 của Công ước viết rõ: “Vùng đặc quyền về kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải”. Như vậy lãnh hải không thể là một bộ phận của vùng đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên, vùng tiếp giáp lại được coi như một phần của vùng đặc quyền về kinh tế. Như vậy, quốc gia ven biển có thể quy định chiều rộng của vùng đặc quyền về kinh tế của mình tối đa chỉ là 188 hải lý.

Một điều cần lưu ý là, do gốc gác của khái niệm vùng đặc quyền về kinh tế xuất phát từ các nước lệ thuộc nhiều vào việc khai thác nguồn lợi hải sản trên biển và do Công ước có ghi nhận một chế định khác liên quan đến vùng thềm lục địa của quốc gia ven biển nên trong thực tiễn, đôi khi người ta chỉ lưu ý đến nguồn tài nguyên sinh vật tồn tại trong khối nước của vùng đặc quyền về kinh tế.

Cần nhấn mạnh là phạm vi của vùng đặc quyền kinh tế không chỉ bao gồm khối nước và tài nguyên sinh vật ở đó mà là cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở phía dưới khối nước rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở đó, với tất cả các loại tài nguyên nằm trong đó.

Cần lưu ý đối với các đảo của quốc gia ven biển nếu thích hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng mới được hưởng quyền có vùng đặc quyền về kinh tế riêng.

Là một nước ven biển, Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình và kết quả pháp điển hóa luật Biển quốc tế mới tại Hội nghị luật Biển của Liên Hợp Quốc lần thứ 3, mặt khác đã từng bước ban hành các văn bản pháp lý và tiến hành các biện pháp nhằm quản lý các vùng biển và thềm lục địa của đất nước, trong đó có vùng đặc quyền về kinh tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phạm vi của vùng đặc quyền về kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO