Sản phẩm nông nghiệp ở Quảng Trực được "nâng tầm" nhờ HTX

Đức Hùng| 13/11/2019 09:09

Thời gian qua, nhờ sự đầu tư, tổ chức sản xuất tốt của hợp tác xã (HTX), một số loại sản phẩm nông nghiệp ở Quảng Trực (huyện Tuy Đức, Tỉnh Đắk Nông) đã được nâng cao giá trị, đem lại lợi nhuận cao cho nông dân.

ADQuảng cáo

Sản xuất nông nghiệp của huyện Tuy Đức tập trung chủ yếu vào các loại cây trồng lâu năm như cà phê, hồ tiêu, mắc ca, sachi... Những năm gần đây giá cả nông sản xuống thấp và sản phẩm sau thu hoạch được nông dân bán ở dạng thô, nên lợi nhuận thấp. Từ những khó khăn đó, một số HTX đã liên kết các thành viên, hộ nông dân trên địa bàn để hình thành vùng nguyên liệu, nhằm gỡ khó và tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Chẳng hạn, tháng 1/2018, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực đã thành lập với 35 thành viên, vốn điều lệ 150 triệu đồng để hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sachi, mắc ca,  cung cấp cây giống, mua bán nông sản, kinh doanh phân bón, chế biến và bảo quản nông sản.

Chế biến sản phẩm mắc ca sau thu hoạch của HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực (Tuy Đức)

Bước vào hoạt động, HTX đã từng bước thực hiện các công đoạn từ cung cấp dịch vụ đầu vào đến đầu ra cho các thành viên nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Trên cơ sở vùng nguyên liệu cây trồng mà các thành viên đã sản xuất từ nhiều năm trước, Ban Quản trị HTX đã cơ cấu, tổ chức lại sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. HTX tính toán cây sachi giá chưa ổn định nhưng mỗi thành viên trồng 1 ha thì từ năm thứ 3 sẽ thu hoạch được 6 - 8 tấn quả. Nếu chưa qua sơ chế hoặc bán thô cho doanh nghiệp với giá 30 ngàn đồng/kg thì sau khi trừ các chi phí, 1 ha sachi có lãi từ 140 - 200 triệu đồng.

Còn nếu bán thành phẩm đã qua khâu chế biến, tách vỏ thì 1 ha sachi có thể lãi từ 210 - 280 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây chủ lực hiện nay. Với lợi thế đó, Ban Quản trị HTX và các thành viên đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất cây sachi tại địa phương. Đến nay, HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu với 20 ha sachi. Ngoài ra, cũng với việc tổ chức, cơ cấu lại cách thức sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế một cách tương tự, HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu 90 ha mắc ca.

Tháng 10/2018, thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa”, Liên minh HTX tỉnh đã tiến hành hỗ trợ HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực mua máy móc trang thiết bị, máy tách vỏ, máy sấy hạt với tổng số tiền hỗ trợ 150 triệu đồng. Sau khi nhận bàn giao máy, HTX này đã đưa vào vận hành và chế biến, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên và nông dân liên kết. Trong đó, riêng sản phẩm sachi khi qua chế biến mang lại lợi nhuận tăng thêm từ 70-80 triệu đồng/1 ha so với bán thô. Tổng lợi nhuận mà HTX trực tiếp mang lại cho 35 thành viên tổng cộng là hơn 1,4 tỷ đồng.

ADQuảng cáo

Chưa dừng lại ở đó, tận dụng máy móc hiện đại, HTX đã mở rộng quy mô chế biến thành phẩm hạt mắc ca cho các hộ thành viên và nông dân liên kết sản xuất mắc ca. Sản phẩm mắc ca chế biến sâu khi bán ra thị trường có giá cao hơn từ 100-125.000 đồng/kg so với sản phẩm thô. Bên cạnh đó, HTX còn chủ động mang sản phẩm đi "chào hàng", tìm kiếm thị trường và đưa sản phẩm chế biến đến tận tay người tiêu dùng.

Tháng 9/2019, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực tiếp tục được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ miễn phí tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo mã vạch QR – code. Các sản phẩm mắc ca của HTX đã được UBND huyện Tuy Đức và Sở Nông nghiệp và PTNT chọn tham gia chương trình mỗi xã có một sản phẩm tại phía Bắc.

Ngoài các thông tin cơ bản và kết quả kiểm nghiệm chất lượng tốt, HTX cũng thường xuyên bổ sung hình ảnh, video clip về quy trình trồng và chăm sóc mắc ca tại vườn để khách hàng dễ dàng tham khảo hoặc kiểm tra nguồn gốc sản phẩm qua mã QR. Hiện nay mắc ca của HTX đã xây dựng nhãn hiệu và được bán với giá 225.000 đồng/1 kg. Ngoài thị trường trong nước, HTX hiên nay cũng đã tiếp cận được với thị trường nông sản tỉnh Mondulkiri (Campuchia) và được tỉnh bạn đánh giá cao về các sản phẩm sachi, mắc ca.

Thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa”, từ năm 2018 đến nay, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh triển khai hỗ trợ cho HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực 150 triệu đồng; hỗ trợ HTX Nông lâm nghiệp và thương mại Tia Sáng hơn 135 triệu đồng đầu tư kho lạnh và các máy móc phục vụ hoạt động sản xuất. Năm 2019, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 280 triệu đồng cho HTX Nông nghiệp Tân Thành Krông Nô đầu tư máy rang, cụm máy làm nguội, máy đập vỡ hạt, máy phân loại vỏ và nhân, máy ép bơ phục vụ chế biến ca cao.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc HTX cho biết, trong thời gian tới các thành viên HTX sẽ tiến hành mở rộng quy mô sản xuất. HTX sẽ mở rộng nhà xưởng, đầu tư nhà kho, nhà chế biến chuyên sâu, đưa HTX thành mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị phát triển một cách bền vững.

Theo đánh giá của ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, từ việc hỗ trợ máy móc phục vụ chế biến sau thu hoạch đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, đưa sản phẩm từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Kết quả triển khai từ các HTX cho thấy việc xây dựng HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm bằng sự hỗ trợ về máy móc, thiết bị phục vụ chế biến sau thu hoạch là hướng đi mang lại hiệu quả cao, thiết thực cho thành viên HTX. Thành viên và nông dân liên kết với HTX thực hiện quy trình từ khi chăm sóc đến chế biến và tiêu thụ, đem lại lợi nhuận cũng như thu nhập cho các hộ thành viên, tạo sự liên kết bền vững trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm nông nghiệp ở Quảng Trực được "nâng tầm" nhờ HTX
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO