Hợp Tiến, mô hình điểm về liên kết chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp

Thanh Nga| 20/05/2015 09:27

Với việc mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế từ nông – lâm nghiệp và đã thành công, trong tháng 3 vừa qua, Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Hợp Tiến (HTX Hợp Tiến) xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đã được Tổng cục Lâm nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp-PTNT) chọn là 1 trong 3 HTX trên toàn quốc xây dựng mô hình điểm về kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp giai đoạn 2014–2020. Đây chính là sự ghi nhận của các cấp, các ngành về những thành công bước đầu của HTX Hợp Tiến.

ADQuảng cáo

Thực hiện tốt công tác QLBVR

Cuối năm 2011, HTX Hợp Tiến đã được UBND tỉnh cho chủ trương ký kết với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn thực hiện quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) với diện tích trên 1.828 ha thuộc tiểu khu 1644 và 1645 tại xã Quảng Sơn. Đây là vị trí “cửa ngõ” vào rừng nên HTX huy động lực lượng tới 36 người túc trực 24/24 giờ nhằm phát hiện, ngăn chặn các đối tượng vào phá rừng. Từ khi được giao trọng trách này, HTX đã thực hiện tốt, không để mất đất, mất rừng và phối hợp với chủ rừng, các cơ quan chức năng ngăn chặn được nhiều vụ lấn chiếm đất rừng.

Ông Đào Văn Dư, Trưởng  Ban QLBVR của HTX cho biết: “Công tác QLBVR là một nhiệm vụ nặng nề và nguy hiểm, nhất là những năm gần đây, “lâm tặc” ngày càng có hành vi hung hãn, tấn công lực lượng QLBVR. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, HTX đã thành lập 4 Đội QLBVR chốt tại những vị trí quan trọng, cửa ngõ ra vào rừng”.

Cũng theo ông Dư thì trong 4 năm qua, HTX được các cấp, các ngành đánh giá tốt công tác QLBVR. Tình trạng phá rừng và mất đất rừng không xảy ra nhưng HTX luôn phải đối mặt với tình trạng các hộ dân đến xâm canh thường xuyên xảy ra, trong khi đó thì đường đi lại khó khăn nhưng không có công cụ hỗ trợ.

Sản xuất nông, lâm nghiệp chất lượng cao

Trong thời gian qua, HTX Hợp Tiến đã xây dựng phương án sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng chất lượng cao và đã có những mô hình thành công. Cụ thể, HTX đã mạnh dạn trồng 5 ha thanh long ruột đỏ và thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Quảng Sơn và đem lại hiệu quả kinh tế cao, với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho các thành viên.

Gia đình anh Lê Trung Sự, xã viên HTX Hợp Tiến thoát nghèo nhờ được HTX hỗ trợ vốn và đất để trồng thanh long ruột đỏ

ADQuảng cáo

Mô hình hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo, khó khăn trồng rừng kết hợp trồng cỏ, tận dụng cỏ để chăn nuôi bò cũng thành công. Những mô hình này đã tạo việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo cho 10 hộ dân. Bên cạnh đó, HTX đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng cà phê chè, hồ tiêu và các cây nông nghiệp có giá trị cao cho các thành viên bước đầu mang lại hiệu quả.

Trên cơ sở những thành công đó, cuối năm 2014, HTX Hợp Tiến đã xây dựng dự án QLBVR và đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp theo mô hình kinh tế tập thể với quy mô trên 1.215 ha, trong đó chú trọng phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, trình Sở Nông nghiệp-PTNT xem xét thẩm định và được UBND tỉnh phê duyệt. Thời gian thực hiện dự án 50 năm, hình thức chủ yếu là thuê đất và thuê rừng dài hạn với vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX Hợp Tiến cho biết: “Mục tiêu chính của dự án là trồng cây nông nghiệp xen dưới tán rừng nhằm đa dạng về cơ cấu cây trồng, tạo thu nhập cao trên một đơn vị diện tích. Việc QLBVR nhằm phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, cung cấp lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất, điều hòa khí hậu, đa dạng sinh học. HTX sẽ trồng các cây thảo dược, cải tạo đất nghèo kiệt, trồng rừng, tận thu gỗ, cà phê chè, mắc ca…  Theo  kế hoạch, từ nay đến năm 2017, HTX sẽ hoàn thành các khâu khai hoang, trồng rừng, trồng cây dược liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện nay, HTX đã chuẩn bị vốn, nhân lực và khoa học kỹ thuật và khi UBND tỉnh có quyết định giao đất sẽ triển khai thực hiện dự án”.

Góp phần phát triển kinh tế tập thể

HTX Hợp Tiến đã góp phần tích cực trong việc giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động và góp phần phát triển kinh tế tập thể. Hiện nay, HTX có 65 thành viên, trong đó có hàng chục hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, HTX tạo việc làm cho từ 100-200 lao động. Thu nhập của người lao động đạt từ 3,5- 8 triệu  đồng/tháng, tùy vào công việc cụ thể.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX Hợp Tiến cho biết: “Hiện nay, HTX không có hộ nghèo và có tới 70% hộ có kinh  tế khá, giàu và chỉ có 30% hộ kinh tế trung bình".  

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh thì HTX Hợp Tiến năng động trong phát triển sản xuất, kinh doanh và hàng năm đều thuộc nhóm những đơn vị làm ăn đạt hiệu quả hàng đầu của tỉnh. HTX đã thu hút người dân tham gia vào kinh tế tập thể, nhất là tạo điều kiện cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn vào làm việc, tham gia sản xuất. HTX đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp Tiến, mô hình điểm về liên kết chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO