Hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất

Phan Đinh| 18/11/2015 10:02

Năm 2014, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ bon N’Ting xã Quảng Sơn (Đắk Glong) được thành lập đã tập hợp được 25 xã viên chuyên trồng khoai lang Nhật Bản.

ADQuảng cáo

Việc đầu tiên mà HTX này thực hiện đó là vận động xã viên thay đổi hình thức lao động thủ công truyền thống bằng các máy móc chuyên dụng để nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động con người.

HTX Nông nghiệp - Dịch vụ bon N'Ting (Đắk Glong) sử dụng máy bới củ giúp giảm công sức lao động và tránh trầy xước khoai

Anh Nguyễn Văn Anh, thành viên HTX Nông nghiệp - Dịch vụ bon N’Ting cho biết: “Gia đình tôi trồng 3 ha khoai lang Nhật Bản để xuất khẩu. Trước đây, khi chưa tham gia vào kinh tế tập thể thì cứ mạnh ai nấy làm, chủ yếu sử dụng các dụng cụ lao động thô sơ để sản xuất, thu hoạch nên mất rất nhiều công sức. Khi tham gia HTX, tôi cũng như nhiều hộ dân đã thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng máy móc hiện đại vào các khâu làm đất, trồng và thu hoạch nên hiệu quả kinh tế, ngày công lao động cao hơn".

Theo anh Anh, ngày trước, nếu dùng cuốc trồng khoai thì 1 ha phải mất tới 80 công, còn thu hoạch mất tới 160 công nhưng khi chuyển sang dùng máy cày đất thì trồng 1 ha chỉ mất 8 công. Không chỉ giải phóng được sức lao động mà dùng máy còn làm đất tơi xốp nên năng suất đạt cao hơn. Đến vụ thu hoạch, toàn bộ hộ dân đều dùng máy bới củ nên 1 ha chỉ mất 60 công, khoai không bị xây xước vỏ, giữ cho sản phẩm đẹp, tỷ lệ củ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cao từ 70% - 80%.

ADQuảng cáo

Không chỉ áp dụng máy móc vào khâu làm đất, thu hoạch mà hầu hết các xã viên nơi đây cũng đã từng bước đưa máy móc vào áp dụng hầu hết trong các khâu chăm sóc cây trồng. Chẳng hạn trước đây, các hộ dân đeo bình bằng tay xịt phân, xịt thuốc nên mất rất nhiều thời gian, công sức, lại ảnh hưởng tới sức khỏe. Trung bình nếu xịt phân hay thuốc bảo vệ thực vật bằng bình xịt tay thủ công thì mất 5 công/ha nhưng nay dùng bằng máy nên chỉ mất chưa đến 1 công/ha.

Năm 2014, THT sản xuất lúa cánh đồng mẫu xã Buôn Choáh (Krông Nô) ra đời đã tập hợp nông dân dồn điền, dồn thửa và đưa máy móc vào sản xuất. Từ đây, nông dân đã biết ứng dụng cơ giới hóa để khai thác lợi thế của địa phương trong sản xuất lúa theo quy trình VietGap. Hoạt động sản xuất của nông dân đều tuân thủ nghiêm túc theo lịch thời vụ do THT đưa ra.

Hiện nay, từ khâu làm đất, gieo sạ cho đến khi phun thuốc, bón phân… đều được các thành viên của THT sử dụng phương tiện máy móc. Do áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, cơ giới hóa nên đã tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất. Rõ nhất là lợi nhuận của mô  hình sản xuất lúa theo VietGap đạt trên 31- 35 triệu đồng/ha, trong khi sản xuất theo hình thức cũ chỉ đạt từ 18 – 26,5 triệu đồng/ha.

Không riêng gì những HTX, THT đã nêu mà thời gian gần đây, mô hình kinh tế tập thể đang khẳng định lợi thế trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

So với hình thức sản xuất đơn lẻ thì THT, HTX có thể tập hợp nông dân trong việc dồn điền, đổi thửa để sản xuất tập trung cũng như chuyên canh về loại cây con nhất định và lịch thời vụ nên việc đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất tập trung sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Đây cũng là một trong những lợi thế mà các HTX, THT trên địa bàn cần khai thác để nâng cao hiệu quả kinh tế, giải phóng sức lao động cũng như hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO