Hợp tác xã “chung tay” xây dựng nông thôn mới

Đức Hùng| 15/12/2016 10:49

Trong những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân giúp các địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.

ADQuảng cáo

Toàn tỉnh Đắk Nông có 76 HTX đang hoạt động, trong đó có 37 HTX dịch vụ nông nghiệp, 5 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, 15 HTX thương mại dịch vụ, 4 HTX xây dựng, 10 HTX giao thông vận tải, 2 HTX điện, 1 HTX vệ sinh môi trường…, với 11.184 thành viên, 1.283 lao động làm việc thường xuyên. Vốn điều lệ trung bình của HTX gần 1 tỷ đồng, doanh thu bình quân năm 2015 gần 3,9 tỷ đồng, thu nhập cán bộ quản lý 4,5 triệu đồng/tháng, người lao động 3,3 triệu đồng/tháng. Các HTX trong tỉnh hoạt động hiệu quả đã và đang là động lực quan trọng trong việc hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo.

HTX Hào Quang Đắk Wer (Đắk R'lấp) sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap.

HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà (Chư Jút) là một trong những đơn vị tích cực trong hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ năm 2011, HTX  đã đưa giống gấc lai cao sản từ miền Bắc vào trồng thử nghiệm tại huyện Chư Jút và Krông Nô. Từ kết quả thành công ban đầu, năm 2014, HTX tiếp tục nhân rộng diện tích trồng gấc lên trên 100 ha và mở rộng diện tích ở các huyện.

Việc mở rộng diện tích đi kèm với hoạt động tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc gấc đã giúp người dân chủ động trong việc chăm sóc. Kết quả sản xuất gấc thương phẩm làm dược liệu đã đem lại lợi ích kinh tế lớn và nhanh chóng cho nông dân. Mỗi ha gấc vào kinh doanh cho thu nhập trên 50 tấn quả với giá bình quân 6.000 đồng/kg, đưa lại thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm. Cây gấc là cây bán hoang dại, chống chịu tốt với sâu bệnh, dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén đất, tốn ít công lao động, đầu tư ban đầu thấp, thu hồi vốn nhanh và có chu kỳ khai thác dài.

Từ năm 2014, HTX đã ký hợp đồng liên kết với Công ty Gấc Tây Nguyên để tiến hành thu mua, bao tiêu sản phẩm, chủ động đầu ra cho người dân tham gia trồng. HTX đã tiến hành ươm và cung cấp giống gấc cho bà con nông dân trong toàn tỉnh nhằm tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động trên địa bàn huyện Chư Jút. Với mức thu nhập bình quân ngày công lao động là 150 ngàn đồng/người. Hoạt động của HTX đã góp phần chuyển giao khoa học kỹ thuật, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn giúp địa phương.

HTX Kinh doanh, Dịch vụ điện Đắk Sắk ở xã Đắk Sắk (Đắk Mil) cũng đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. HTX được thành lập năm 2005 sau khi tiếp nhận lưới điện với nhiều đường dây phụ tải bằng trụ gỗ tạm bợ. HTX đã đầu tư xây lắp mới, cải tạo lưới điện, lắp cột bê tông cốt thép rất bảo đảm an toàn vận hành cung cấp điện.

ADQuảng cáo

Bên cạnh nâng cao dịch vụ, HTX đã miễn phí điện đường thắp sáng về đêm cho 19 thôn, bon trên địa bàn xã. Cụ thể, HTX đã không thu tiền mỗi thôn, bon 200 kWh/tháng để chiếu sáng công cộng tại các trục đường chính và các ngõ hẻm của các thôn. HTX hỗ trợ miễn phí 30 kWh/tháng cho 40 hộ gia đình có người già neo đơn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Hoàng Văn Quốc, Giám đốc HTX Kinh doanh, Dịch vụ điện Đắk Sắk cho biết: “Trong điều kiện chuyên môn, dịch vụ của mình, HTX cùng “chung tay” chia sẻ cùng cộng đồng, thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM liên quan đến điện góp phần đưa địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân”.

Thành viên HTX bon N'ting (Đắk Glong) thoát nghèo nhờ trồng khoai lang xuất khẩu.

HTX Nông nghiệp, Dịch vụ, Thương mại Hợp Tiến ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) là một trong những HTX điển hình trong hoạt động và tạo việc làm cho người lao động địa phương. HTX được thành lập từ năm 2006, có 65 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực mua bán vật tư nông nghiệp, thu mua hàng hóa nông sản, chế biến gỗ xây dựng, ván ép, sản xuất đồ mộc gia dụng, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, trồng cây lâm nông nghiệp và dược liệu, thu mua và chế biến hàng hóa nông lâm sản.

Sau khi HTX chuyển đổi sang hoạt động theo luật HTX năm 2012, HTX đã xây dựng lại phương án sản xuất kinh doanh, tiến hành đổi lại giấy phép đăng ký HTX. Vì thế, doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng hằng năm. Cụ thể, doanh thu năm 2015 đạt gần 4,7 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu đạt 2,4 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả này, HTX đã mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại mua 1 máy CD, 1 máy lạng, 1 máy ủi, 1 máy cày, 1 máy múc để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó,  HTX còn cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra về cây giống, phân bón, tư vấn kỹ thuật cho các xã viên trong HTX, thu mua, giới thiệu thu mua, liên kết thu mua các sản phẩm nông nghiệp của xã viên, người dân trên địa bàn đến kỳ thu hoạch. Ngoài việc mang lại lợi nhuận cao, HTX còn tạo việc làm cho 38 lao động địa phương với mức thu nhập 4,3 triệu đồng/tháng.

Theo ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh trao đổi, dựa vào lĩnh vực, chuyên môn, dịch vụ của mình, các HTX đã đóng góp thiết thực nhất trong việc hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM, nổi bật như: Hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã trở thành phong trào lớn được các HTX tích cực hưởng ứng. HTX vừa hỗ trợ để cụ thể hóa những tiêu chí, vừa là công cụ phát huy nội lực để thực hiện mục tiêu đề ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác xã “chung tay” xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO