Đồng bào dân tộc thiểu số ở bon N’Ting thoát nghèo nhờ vào kinh tế tập thể

Phan Đinh| 18/03/2015 09:05

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - Dịch vụ bon N’Ting ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có 6 thành viên là người dân tộc thiểu số. Việc tham gia vào kinh tế tập thể đã giúp các hộ dân thay đổi tư duy sản xuất, thoát nghèo và có điều kiện vươn lên làm giàu.

ADQuảng cáo

Gia đình K’Ang nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo, thế nhưng chỉ sau 1 năm tham gia vào HTX và trồng khoai lang thì nay đã thoát nghèo. Cũng như các hộ dân khác ở trong bon, tham gia vào loại hình kinh tế tập thể này, gia đình anh đã được hướng dẫn kỹ thuật trồng khoai lang Nhật Bản. Trong 2 năm qua, anh K’Ang đã trồng khoai trên diện tích 5 sào mà trước đây chỉ trồng một vụ lúa nước, thu về lợi nhuận hơn 60 triệu đồng mỗi năm.

Anh K’Ang  cho biết: “Từ khi tham gia vào HTX, tôi đã biết cách làm ăn, được truyền đạt kỹ thuật trồng khoai lang Nhật Bản để xuất khẩu. Việc trồng khoai lang đã đem lại số tiền lớn cho gia đình, từ đó kinh tế cũng đỡ vất vả và năm nay đã thoát nghèo”.

Gia đình anh K’Bang cũng là một hộ dân của bon N’Ting đã thoát nghèo nhờ vào HTX và trồng khoai lang. Vụ mùa trước, gia đình đã trồng 1 ha thu về gần 140 triệu  đồng. Trong vụ đông xuân này, gia đình tiếp tục trồng 1 ha và hiện đã sắp cho thu hoạch. Anh dự định sau khi thu hoạch vụ mùa này và có nhiều tiền hơn thì mùa sau sẽ trồng nốt 2 ha đất màu đang bỏ trống.

Còn anh Vàng A Lẻng trước khi tham gia vào HTX thì điều kiện kinh tế cũng thuộc diện trung bình, chỉ mới đủ ăn. Thế nhưng, sau khi bon thành lập HTX thì anh Lẻng đã tham gia và sử dụng 2 ha đất để trồng khoai lang. Sau vụ mùa đầu tiên, anh thu về gần 150 triệu đồng và đã mua được chiếc xe cày trị giá 100 triệu đồng, để chở vật tư, nông sản phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

ADQuảng cáo

Anh Lẻng chia sẻ: “Tham gia vào kinh tế hợp tác, tôi nắm vững được kỹ thuật trồng khoai và hiểu được giá trị của việc sản xuất hàng hóa. Trước đây, tôi chỉ nghĩ trồng khoai để ăn còn nếu không hết thì dùng chăn nuôi gà, nuôi vịt nên trồng ít luống thôi. Khi được HTX truyền đạt về kỹ thuật trồng khoai và sản xuất nhiều để bán theo đơn đặt hàng thì tôi rất thích và đã tham gia. Nhờ trồng khoai mà kinh tế của gia đình tôi năm nay đã vững vàng và vài năm nữa sẽ có dư nhiều hơn”.

Ông Nguyễn Đức Êm, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ bon N’Ting cho biết: “Tiền thân của HTX hiện tại chính là được chuyển đổi và phát triển từ loại hình tổ hợp tác của bon. HTX hiện có 25 thành viên, trong đó có 6 thành viên là người đồng bào dân tộc M’nông và dân tộc Mông. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều sinh đông con nên kinh tế thuộc diện nghèo, khó khăn, trình độ sản xuất lại hạn chế nên được ưu tiên. Chúng tôi đã hướng dẫn các hộ này sản xuất theo hình thức “cầm tay chỉ việc” và đổi công cho nhau nên đến nay đã tiếp cận được kỹ thuật sản xuất khoai lang và kinh tế hộ đã phát triển. Các hộ đã sản xuất khoai theo quy trình VietGap, đạt năng suất từ 20 - 28 tấn/ha/vụ. Với giá khoai trung bình khoảng 6 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, công chăm sóc thì mỗi héc ta khoai, người trồng thu về lợi nhuận từ 50- 80 triệu đồng/vụ”.

Ngoài việc hướng dẫn về khoa học, kỹ thuật trồng trọt cho các thành viên là người dân tộc thiểu số thì thời gian qua, HTX còn hỗ trợ phát triển sản xuất bằng cách cho vay vốn với lãi suất chỉ 1%. Ngay từ đầu mùa vụ bước vào sản xuất, HTX hỗ trợ các thành viên về dây giống, phân bón và đến khi thu hoạch xong có tiền thì mới phải trả cả gốc và lãi. Hiện nay, phần lớn tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh cũng đang khuyến khích các hộ dân tham gia vào loại hình phát triển kinh tế để thoát nghèo, tuy nhiên số lượng còn rất khiêm tốn. Cách làm của HTX Nông nghiệp - Dịch vụ bon N’Ting là một kinh nghiệm hay để các HTX và các địa phương học tập để thu hút hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào loại hình kinh tế tập thể, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bào dân tộc thiểu số ở bon N’Ting thoát nghèo nhờ vào kinh tế tập thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO