Đắk Glong phát huy mô hình hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp

Phan Đinh| 21/10/2015 09:20

Với sự linh động trong sản xuất, kinh doanh, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Đắk Glong đã tập hợp được nhiều nông dân tham gia vào phát triển sản xuất nông nghiệp.

ADQuảng cáo

Trước đây, cánh đồng Đắk Lang của xã Quảng Khê chỉ là một vùng sình lầy hoang hóa. Năm 2011, HTX Nông, lâm nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Tân Thịnh được thành lập, đi vào hoạt động và đưa nghề trồng dâu, nuôi tằm đến vùng đất này, mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân.

HTX đã đưa máy vào đào hào lấy đất nâng cao nền ruộng, dẫn dòng nước vào rửa chua, chia thửa để trồng dâu. Từ một cánh đồng hoang, đến nay Đắk Lang đã trở thành những ruộng dâu tằm xanh tốt. Ngoài vùng dâu Đắk Lang thì hiện nay, nông dân trong xã đã mở rộng diện tích trồng dâu, phát triển nuôi tằm ra một số vùng lân cận.

ADQuảng cáo

Bà Bùi Thị Hồng, Giám đốc HTX cho biết, hiện nay, HTX đã có 68 hộ dân trồng dâu, nuôi tằm với diện tích trên 70 ha. Trước đây, HTX liên kết với Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Bảo Lộc ở tỉnh Lâm Đồng đưa các giống dâu cao sản cung cấp giống cho các thành viên và hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Hiện tại, HTX đã tự ươm con giống có chất lượng cao ngay trên địa bàn nên đã góp phần giảm chi phí cho người trồng dâu, nuôi tằm. HTX thực hiện quy trình chăm sóc cây dâu hoàn toàn dùng phân vi sinh và chế phụ phẩm nông nghiệp bảo vệ môi trường, chi phí lại thấp, hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, người trồng dâu, nuôi tằm thu về khoảng 250 triệu đồng/ha.

HTX Dịch vụ nông nghiệp bon N’Ting ở xã Quảng Sơn hiện có 30 thành viên tham gia trồng khoai lang Nhật Bản. Ông Nguyễn Đức Êm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp bon N’Ting cho biết: Đồng đất bon N’Ting trước đây được nông dân trồng lúa nhưng do thiếu nước nên sản xuất bấp bênh. Chúng tôi đã vận động nông dân vào HTX để liên kết trồng khoai lang xuất khẩu. HTX đã hướng dẫn các hộ dân trồng khoai theo quy trình VietGAP. Bên cạnh đó, HTX còn hỗ trợ những hộ khó khăn, người dân tộc thiểu số phát triển sản xuất bằng cách cho vay vốn với lãi suất chỉ 1%/năm. Trồng khoai cũng thời gian ngắn như trồng lúa nhưng lợi nhuận cao hơn, thu về từ 50 - 80 triệu đồng/vụ/sào nên kinh tế của nhiều hộ đã phát triển.

HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Hợp Tiến ở xã Quảng Sơn hiện có 65 thành viên và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động. Hiện nay, HTX đã được UBND tỉnh cho chủ trương ký kết với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn tự nguyện quản lý, bảo vệ rừng với diện tích trên 1.828 ha. Bên cạnh đó, HTX hoạt động đa dạng ngành, nghề như sản xuất mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, phát triển chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ nông nghiệp. Mới đây, HTX này đã được Tổng cục Lâm nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp – PTNT) chọn là 1 trong 3 HTX của toàn quốc xây dựng mô hình điểm về kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp giai đoạn 2014 – 2020.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong phát huy mô hình hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO