Cùng liên kết, hợp tác để phát triển

Lê Dung| 01/07/2016 10:19

Hiện nay các HTX tích cực trong việc liên kết, hợp tác với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước nhằm tận dụng lợi thế về vốn, khoa học công nghệ, từng bước góp phần nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa nông sản, đáp ứng tốt nhu cầu của các thị trường lớn.

ADQuảng cáo

Ca cao “UTZ”…

Từ năm 2013, HTX Nông nghiệp Krông Nô, xã Tân Thành (Krông Nô) đăng ký làm thành viên của Chương trình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường (UTZ) và đến nay sản phẩm ca cao của đơn vị đã được cấp chứng nhận.

Hiện tại, HTX đang có 42 xã viên thuộc các xã của huyện Đắk Mil, Krông Nô tham gia, với trên 170 ha diện tích cây trồng. Từ khi tham gia vào UTZ, năng suất ca cao bình quân của xã viên đã tăng cao, đạt hơn 2,2 tấn/ha. Sản phẩm của đơn vị được một doanh nghiệp ngoài tỉnh thu mua, xuất khẩu sang Hà Lan.

Theo đó, trong niên vụ 2014-2015, đơn vị đã xuất khẩu được hơn 90 tấn ca cao chứng nhận theo tiêu chuẩn UTZ. Trong vụ 2016-2017, HTX phấn đấu sản lượng bán ra đạt trên 100 tấn ca cao phục vụ cho xuất khẩu.

Theo ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô thì tham gia vào UTZ, các xã viên đã từng bước thay đổi được thói quen sản xuất và sản xuất có lãi. Bà con đã hiểu được quy trình canh tác cũng như về “đầu vào, đầu ra” của nông sản. Hàng hóa bán ra được giá hơn. Khi được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo của UTZ, mọi người đã hiểu biết được khi cây bị bệnh nên dùng dùng thuốc nào, khi nào dùng, nguyên nhân gây ra bệnh…

Các chuyên gia, nhà chuyên môn cũng đã giải thích cho nông dân biết về tác hại của việc dùng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Trên thực tế, nhiều nông dân rất chịu khó học hỏi, họ đã giảm được rất nhiều chi phí cho đầu tư, làm đúng kỹ thuật, năng suất tăng cao.

Ngoài ra, tham gia vào chương trình, bà con xã viên còn được chuyển giao khoa học công nghệ. HTX đứng ra trực tiếp thu mua cho bà con, với giá khoảng 61.000 đồng/kg theo thị trường. Vừa qua, HTX đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh và Tổ chức Dán nhãn thương mại công bằng quốc tế tổ chức tập huấn về nâng cao chuỗi cung ứng ca cao bền vững cho bà con xã viên. Qua đó, bước đầu cho thấy có rất nhiều lợi ích mang lại và HTX đang nghiên cứu để mở rộng hướng phát triển mới trong thời gian tới…

Thanh long “Global Gap”

HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Hợp Tiến, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) được thành lập từ nhiều năm nay với việc trồng cây thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn Global Gap (thực hành nông nghiệp tốt). Hiện tại, đơn vị đang trồng 5 ha cây thanh long ruột đỏ, với sản lượng bình quân là 15 tấn/ha.

ADQuảng cáo

Thanh long ruột đỏ của HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Hợp Tiến, xã Quảng Sơn (Đắk Glong)

Được biết, trước kia, sản phẩm thanh long sau khi thu hái, đơn vị thường phải tự đi tìm kiếm đầu ra, với số lượng xuất bán nhỏ lẻ và rải rác. Giá bán cũng chỉ được từ 11.000-12.000 đồng/kg. Nhiều khi thị trường bấp bênh nên giá cả và số lượng thanh long bán ra cũng không được ổn định. Vừa qua, HTX đã được Công ty TNHH MTV Cát Tường (Tiền Giang) tìm hiểu và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm phục vụ hoạt động xuất khẩu và đã xuất bán được 2 đợt hàng với tổng sản lượng là 15 tấn, với giá bán tại chỗ dao động từ 25.000-35.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX cho biết: Hiện tại, đơn vị đang sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap. Mọi khâu sản xuất đều được tuân thủ theo đúng quy trình. Trong đó, đơn vị không sử dụng phân bón hóa học mà thay vào đó là sử dụng phân chuồng đã qua xử lý. HTX cũng đã sử dụng chế phẩm sinh học để xua đuổi côn trùng thay cho thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm sau khi được gửi đi test thử ở các công ty nước ngoài cũng được đánh giá rất cao về độ an toàn. Không những vậy, trái thanh long của HTX to (quả nặng nhất 1,4 kg), tai đẹp nên được thị trường ưa chuộng…

Hiện tại, sản phẩm đang được đối tác thu mua, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đi các nước như Trung Quốc, Ôxtrâylia, Mỹ và Nhật Bản. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ được đối tác hỗ trợ để mở rộng thêm 50 ha diện tích tại địa bàn. Trong đó, các đối tác sẽ hỗ trợ phân bón, thuốc, kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, đối với những diện tích thanh long cũ, đơn vị cũng sẽ đầu tư áp dụng công nghệ xông đèn giúp cây ra trái quanh năm. Với công nghệ mới này, dự kiến, HTX sẽ thu lợi nhuận từ 500-700 triệu/ha do số lượng và giá thành tăng cao. HTX cũng sẽ tiến hành đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm “Thanh long ruột đỏ” khi diện tích cây trồng được mở rộng…

Cùng liên kết, hợp tác vươn ra “biển lớn”

Để hỗ trợ cho các HTX đưa sản phẩm hàng hóa của mình vươn xa trên thị trường thế giới, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nhất định. Theo đó, Liên minh HTX tỉnh đã đề xuất, phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ về máy móc, thiết bị sản xuất tiên tiến cho các HTX. Đơn vị cũng đã trực tiếp làm việc với các viện, trung tâm nghiên cứu để hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu cho một số sản phẩm như bơ, tiêu cho một số HTX.

Ngoài ra, thông qua các hội chợ quốc tế, Liên minh HTX tỉnh cũng đã giúp các HTX tiếp cận, kết nối với những đối tác mới nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản. Đặc biệt, đơn vị chú trọng tư vấn, hướng dẫn các HTX phải làm sao thu hút được thật nhiều xã viên và liên kết chặt chẽ lại với nhau để cùng tham gia vào các chuỗi giá trị…

Theo ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX thì định hướng sản xuất phục vụ xuất khẩu đã được một số HTX hướng tới và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, số lượng đó rất ít, một số đơn vị còn lại vẫn hoạt động trong tình trạng manh mún. Vì vậy, trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng sản xuất đơn lẻ, các HTX còn lại cần phải sớm thực hiện chuyển đổi hoạt động theo luật HTX năm 2012.

Theo đó, các đơn vị phải củng cố lại hoạt động theo đúng luật, đủ số lượng thành viên và kêu gọi xã viên sử dụng dịch vụ của HTX. Một khi số lượng xã viên đông thì sản phẩm hàng hóa sẽ nhiều và HTX sẽ phát triển được sản phẩm đó dễ dàng hơn. Liên minh HTX cũng sẽ phối hợp với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu có kinh nghiệm để mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về xây dựng chương trình, lập dự án kinh doanh cho các HTX, giúp các đơn vị có định hướng phát triển sản phẩm mới.

Liên minh HTX cũng sẽ tích cực liên kết với TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng để giúp các HTX có thể thuận tiện trong hợp tác, xuất khẩu hàng hóa, tập trung tái đầu tư cho sản xuất. Tuy nhiên, để làm được điều này, về phía các HTX, các đơn vị cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ và mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến, đáp ứng việc sơ chế, chế biến các mặt hàng bảo đảm về số lượng, chất lượng, cung ứng ổn định cho thị trường…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cùng liên kết, hợp tác để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO