Sức lan tỏa của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đồng bào và chức sắc tôn giáo

Tạp chí Cộng sản| 08/02/2017 11:02

Khi giải quyết vấn đề tôn giáo, Hồ Chí Minh luôn có thái độ khoan dung, độ lượng, gạn đục khơi trong để tập hợp lực lượng cách mạng, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là sách lược, nghệ thuật, là chiến lược, mục tiêu xuyên suốt trong quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Những quan điểm, ứng xử của Người đối với tôn giáo thể hiện sự sáng tạo độc đáo trong tư duy, một nhân cách đạo đức cao cả và một phong cách thấm đượm tinh thần khoan dung, nhân văn, hòa hợp. Chính điều đó đã tạo nên sức lan tỏa sâu, rộng của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đồng bào và chức sắc tôn giáo.

ADQuảng cáo

Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số. Ảnh tư liệu

Quan điểm, phong cách và ứng xử sáng tạo, độc đáo, nhân văn đối với tôn giáo của Hồ Chí Minh được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Một là, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Hai là, tôn trọng người sáng lập các tôn giáo và quan tâm đến giáo dân. Ba là, kế thừa, khai thác các giá trị nhân bản trong các tôn giáo. Bốn là, ứng xử linh hoạt với những người vi phạm chính sách tôn giáo.

Với quan điểm sáng tạo và ứng xử mẫu mực, nhân văn của Hồ Chí Minh đối với tôn giáo, Người đã thu hút, tập hợp được nhiều giáo sĩ, nhà tu hành và đông đảo giáo dân tham gia kháng chiến và xây dựng đất nước. Đồng thời, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đồng bào và chức sắc tôn giáo. Đây là cách giải quyết vấn đề tôn giáo trong điều kiện mới rất đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của dân tộc, với tâm lý, tình cảm của con người Việt Nam.

Sức lan tỏa của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở sự ngưỡng mộ của đồng bào và chức sắc tôn giáo đối với Người mà còn thể hiện ở chỗ, bằng uy tín và thái độ ứng xử trân trọng của mình, Người đã đoàn kết được các tôn giáo lại với nhau trong sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để thực hiện nhiệm vụ cách mạng.

Một trong số những biểu hiện cụ thể và xúc động ấy đó là sự kiện: “Giữa tháng 10/1954, tại chùa Quán Sứ, Phật giáo yêu nước tổ chức tuần lễ văn hóa, trong bữa cơm chay đoàn kết, Hồ Chí Minh đã nói chuyện thân mật với đồng bào Phật giáo và các đại biểu Công giáo về từ bi nhân đạo và tình đoàn kết cứu nước của hai tôn giáo. Đồng bào các tôn giáo tham gia cuộc bán đấu giá tấm ảnh Hồ Chủ tịch để lấy tiền ủng hộ kháng chiến. Một phật tử đã nhường cho ông Ngô Tử Hạ - một đại biểu công giáo mua bức ảnh với giá 1 vạn 1 trăm đồng để kỷ niệm tinh thần đoàn kết của hai tôn giáo”.

Hồ Chí Minh luôn khéo léo lồng ghép các hoạt động của tôn giáo, cùng phong cách giản dị, chân thành của mình trong quá trình hoạt động cách mạng để tạo điều kiện cho các tôn giáo hòa nhập vào cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc. Qua đó cũng tạo ra sự lan tỏa về tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc trong đồng bào và chức sắc các tôn giáo khác nhau, vì sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc.

ADQuảng cáo

Sự kiện ngày 5/11/1946 đã là một trong những minh chứng cho điều đó khi Hồ Chí Minh đến thăm chùa Bà Đá ở Hà Nội. Vào ngày này, các phật tử trong Hội Phật giáo cứu quốc tổ chức Tuần lễ liên hiệp quốc gia để hoan nghênh sự đoàn kết giữa các đảng phái và Mặt trận Việt Minh, cầu nguyện cho nền độc lập của nước Việt Nam. Hồ Chí Minh đã cùng các thành viên trong Hội đồng Chính phủ (có cả Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hải Thần, lãnh đạo Đảng Việt Cách), các sư tăng, ni cô, các giáo hữu Công giáo cầu nguyện cho nền độc lập của nước Việt Nam mới. Tại buổi lễ này, tất cả các thành viên đã trân trọng thề: Chiến đấu vì nền độc lập của Tổ quốc.

Theo giáo sư Phạm Như Cương thì: “Đây là một cách làm công tác tôn giáo, làm chính trị đầy uyển chuyển, hòa mình một cách tự nhiên, chân tình, rất “Hồ Chí Minh”. Đó là một phong cách làm chính trị ở một tầm văn hóa rất cao của một danh nhân văn hóa thế giới”.

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, hưởng ứng Cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Chỉ thị số 03-CT/TW) và “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị số 05-CT/TW), trong những năm qua, cùng với các tầng lớp nhân dân, đồng bào và các chức sắc tôn giáo đã nỗ lực học tập, tích cực làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ với tất cả lòng thành kính đối với vị lãnh tụ dân tộc, đồng thời chung sức cùng chính quyền địa phương xây dựng kinh tế, cải thiện đời sống, giữ vững an ninh trật tự địa bàn.

Cùng với các tầng lớp nhân dân, đồng bào có đạo trên khắp đất nước đã nỗ lực học tập, tích cực làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời chung sức cùng chính quyền địa phương xây dựng giữ vững an ninh trật tự kinh tế, cải thiện đời sống, địa bàn…

Hòa thượng Thích Trí Quảng (Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) đã bày tỏ: “Sở dĩ Phật giáo Việt Nam xem Bác Hồ là Bồ Tát bởi trong hoạt động của mình, Bác luôn luôn phấn đấu, hi sinh vì những mục đích và lý tưởng, đạo đức cao đẹp của con người, nhất là người cùng khổ. Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Bác là tấm gương sáng về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc”.

Thậm chí, có vị hòa thượng còn chia sẻ: Trong đời ông chỉ có hai thần tượng, đó là Phật Thích Ca và Bác Hồ. Vì ông cho rằng, những tư tưởng và hành động tiêu biểu của Bác Hồ phù hợp với giáo lý đạo Phật  và Bác đã chiếm trọn được tấm lòng của tăng ni, phật tử Việt Nam.

Linh mục Nguyễn Công Danh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã thay mặt đồng bào và chức sắc tôn giáo nói lên sự ngưỡng mộ, lòng thành kính của mình đối với tấm gương đạo đức và nhân cách con người Hồ Chí Minh: Cảm ơn Bác đã cho tôi một thành phố mang tên Bác! Từ nhiều năm qua, tôi tập yêu thương như Bác Hồ và chợt nhận ra cuộc sống thú vị và ý nghĩa hơn rất nhiều. Tôi thấy yêu thành phố Hồ Chí Minh bởi cái nắng hanh hao, bởi những chiều mưa như thác đổ xuống lòng thành phố và ngay cả mùi khói xe, bỗng nhiên, tôi không cảm thấy khó chịu nhiều như trước nữa. Tôi bỗng thấy yêu những gương mặt thấm đẫm mồ hồi, những âm thanh náo nhiệt của cuộc sống. Tôi thích thú ngắm nhìn thành phố như một bức tranh được phối màu rực rỡ. Tôi nhận ra, đó chính là tâm hồn, là sức trẻ căng tràn của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Sức lan tỏa mạnh mẽ của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đồng bào và chức sắc tôn giáo cả trong quá khứ và hiện tại đã cho thấy những giá trị vượt thời gian của tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, tín ngưỡng. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, tư tưởng về tôn giáo, tín ngưỡng của Người tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta kế thừa, phát triển trong việc thực hiện chính sách tôn giáo cho phù hợp với tình hình mới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức lan tỏa của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đồng bào và chức sắc tôn giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO