Người trinh sát dũng cảm suốt đời học tập Bác Hồ

Thanh Nga| 05/05/2020 08:07

Ông Trần Văn Quang (74 tuổi), tổ dân phố 2, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa), tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi. Ông Quang quê ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), từng tham gia chiến đấu tại chiến trường tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đắk Nông) và được giao nhiệm vụ làm trinh sát. Đến nay ông Quang đã 49 tuổi Đảng. Suốt cuộc đời ông luôn học tập Bác Hồ về lòng nhân ái, hy sinh vì dân vì nước...

Nhớ về thời tuổi trẻ của mình, ông Quang cho biết, ông tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, nhưng đến năm 1968 mới vào bộ đội. Ông làm trinh sát tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Đức từ năm 1968 - 1975. Ông thuộc đơn vị C20 K8, huyện Kiến Đức, tỉnh Quảng Đức cũ. Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng tôi được nghe người lính trinh sát ấy kể về những ngày tham gia giải phóng Gia Nghĩa.

Đối với Cựu chiến binh Trần Văn Quang trong những năm tháng chiến tranh và cả trong đời thường luôn rèn luyện, học tập Bác Hồ về lòng nhân ái

Ông Quang kể: Ngày 23/3/1975, chúng tôi đi từ Kiến Đức về theo quốc lộ 14 (nay là đường 23/3) để đánh Ngụy, giải phóng Gia Nghĩa, góp phần tạo nên chiến thắng chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khổ nhất là thời chúng tôi đi đánh chốt ở Quảng Tín trong những ngày tháng 3 Tây Nguyên nắng cháy. Thời đó, chúng tôi đi bộ từ Quảng Tín về Kiến Đức giữa trời nắng to. Chúng tôi lại đi bộ tiếp để lên tiếp quản Gia Nghĩa. Tham gia đánh chốt bộ binh là mình án ngữ ở quốc lộ 14 để không cho quân địch lên hoặc xuống tiếp viện. Ngụy quân bấy giờ đối phó bằng cách bắt dân ta đi trước khoảng vài trăm người. Nó đi sau. Quân mình phải để dân đi hết lúc còn lính mình mới đánh. Mình tuyên bố “hàng thì sống” và nhiều lính ngụy đã hàng".

Theo lời kể ông Quang, sau ngày giải phóng Gia Nghĩa, hàng hóa khá nhiều, trong đó nhiều đường, sữa, trà. Lúc đó Gia Nghĩa chỉ có khoảng 10 hộ dân ở lại cùng với bộ đội giải phóng. Giặc chạy hết và dân cũng chạy, nên bộ dội dễ dàng tiếp quản Gia Nghĩa. Bộ đội được lệnh của cấp trên là sau khi giành được chính quyền thì phải về giữ chính quyền, xây dựng chính quyền.

“Hồi đó, tôi tham gia cơ sở mật bên trong. Nhân cơ hội này, tôi “gài” người em ruột và một người nữa hiện ở Kiến Đức vào trong lòng địch giả làm lính ngụy. Họ ăn lương ngụy, cầm súng ngụy mà công việc là báo cáo cho cách mạng, mà trực tiếp là tôi. Cho nên, hồi ấy nhà tôi ở Đạo Nghĩa lúc bấy giờ súng quốc gia và súng cộng sản dựng chung một góc. Chúng tôi ăn chung một mâm bình thường. Lúc bấy giờ, công tác dân vận của mình và công tác binh địch vận của mình làm cho địch thấy được giặc Mỹ khát máu chứ dân Việt Nam không khát máu. Giặc Mỹ tạo cho người Việt đánh người Việt. Lúc bấy giờ dân ta dần dần hiểu rõ âm mưu của giặc. Ở thôn Quảng Lộc, 10 nhà thì 9 nhà có người tham gia cách mạng. Nhà tôi có 2 anh em đi làm cách mạng hết. Tôi là lính trinh sát có nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch”, ông Quang kể.

Cựu chiến binh Trần Văn Quang giới thiệu về những Huân chương, Huy chương được Đảng, Nhà nước trao tặng

Trong ký ức của ông, quốc lộ 28 từ Quảng Đức về thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), địch chủ yếu sử dụng để rút quân đưa ra biển, nhưng ta đánh tại chốt nên địch không chạy được. Ông được tổ chức giao nhiệm vụ đi tuần tra từ Quảng Đức đến Phan Thiết với 95 km để bảo vệ đường hành lang, bảo vệ nhiệm vụ vận chuyển lương thực, vũ khí được vận chuyển bằng xe đạp thồ về tới Bình Thuận, Ninh Thuận. “Tôi phải đi canh gác đường đó mà đưa từng đoàn người của ta vận chuyển lương thực, đạn dược. Họ chủ yếu là nữ, đi thồ hàng một lúc hàng trăm người. Mỗi lần đi, tôi cho 1 tổ đi trước và có mình đi sau để nếu có địch thì phải ứng phó”, ông Quang nhớ lại thời kỳ chiến tranh gian khổ, ác liệt.

Với bản tính nhanh nhẹn, thông minh, gan dạ, trong chiến đấu, ông đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng. Chia sẻ về nhiệm vụ của mình, ban đầu  là lính trinh sát, nhưng sau đó ông được điều về làm Trưởng trạm giao liên K8 Kiến Đức. Ông Quang kể chuyện: “Có lần tôi ra ruộng lúa múc nước. Tôi đội nón và kẹp khẩu súng vào hông. Hôm đó có mấy tên ngụy là Tài, Tấn, Binh ở thôn Quảng Lộc bắn tôi mà không trúng. Lúc bấy giờ tôi quay sang bảo “bọn mày bắn tao cả băng không trúng chứ giờ tao bắn tụi mày 1 viên là chết. Tụi nó nghe xong xanh mặt”.

Tự chuyển biến, tự suy thoái là do con người phấn đấu vì của cải vật chất. Còn nếu phấn đấu làm giàu về tâm đức thì sẽ có những người cán bộ trong sáng, luôn vì dân, vì nước. Tôi nghĩ, đạo đức phải là cốt lõi, phải là đầu tiên, phải có rèn luyện đạo đức tốt thì mới nên người. Lòng nhân ái của người Việt mình cao thượng lắm. Giặc có đánh hết đạn mình cũng khoan hồng, giáo dục nó, và chúng tôi đã làm điều đó như Bác Hồ từng nóI.

(Ông Trần Văn Quang (74 tuổi), tổ dân phố 2, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa))

Theo ông Quang, chả có ai làm cách mạng mà không cao thượng cả. Sinh thời, Bác Hồ từng nói về việc nên xóa bỏ hận thù. Giặc bắn hết đạn thì mình sẵn sàng khoan hồng, giáo dục họ trở thành người tốt chứ không hận thù, mình không nên bắn nó chết. Nên bây giờ, tôi cho rằng cuộc sống là nên xóa bỏ hận thù, đừng sân si, đừng gian ác thì đạo đức rất tốt.

Có công lao đóng góp với cách mạng, nhưng với ông, trong cuộc sống ông không bao giờ tham lam. Ông Quang chia sẻ: “Sau này Đảng và Nhà nước cho tôi nhiều đô la, vàng lá mà tôi không nhận. Lúc bấy giờ, anh em chúng tôi nói miễn anh em mang “bộ khung” còn sống về với dân làng là được chứ không cần vàng, tiền, bạc gì cả. Tôi không cần gì hết. Dân sống được là tôi sống được. Tôi mong muốn dân no thì nuôi tôi cơm rau mắm tôi cũng no chứ tôi không yêu cầu gì hết”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người trinh sát dũng cảm suốt đời học tập Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO