Người nặng lòng với cây hồ tiêu Đắk Song

Kim Ngân| 12/04/2017 09:48

Chúng ta phải thực hiện làm tiêu “sạch” thì mới có sản phẩm bán ra với giá cao hơn”, đó là suy nghĩ và cũng là hành động mà nhiều năm nay ông Nguyễn Thế Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Hồ tiêu Thuận Phát, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song (Đắk Nông) theo đuổi, khuyến khích xã viên thực hiện nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hồ tiêu do chính mình làm ra.

Ông Nguyễn Thế Hải, Phó Chủ tịch HĐQT HTX Hồ tiêu Thuận Phát, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song (bên phải) bên máy chế biến tiêu sọ của gia đình

Vốn xuất thân từ Xí nghiệp Thương mại Dịch vụ trực thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê Đắk Nông đứng chân trên địa bàn xã Đắk N’Drung (Đắk Song), ông Nguyễn Thế Hải rất am tường thổ nhưỡng lẫn cây trồng trên vùng đất nổi tiếng phì nhiêu này.

Theo ông Hải thì đúc rút kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với cây cà phê, ông nhận thấy cuối cùng trồng cây gì cũng phải sản xuất theo chuỗi giá trị chứ không thể trồng theo phong trào, phát triển một cách ồ ạt, đại trà được. Riêng đối với cây hồ tiêu, một loại cây trồng không chỉ nhạy cảm với môi trường mà còn dễ bị tác động với thị trường tiêu thụ. Với suy nghĩ đó, ông Hải đã tự tìm tòi sách vở, tài liệu về kỹ thuật trồng hồ tiêu và bắt tay vào thực hiện ngay tại vườn nhà mình trước. Khi thu được kết quả, ông mới tham gia góp ý và hướng dẫn xã viên.

Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Thế Hải có trên 3.000 gốc tiêu kinh doanh. Tuy diện tích tiêu không nhiều nhưng gia đình ông Hải đã áp dụng quy trình sản xuất hồ tiêu bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP, GLOBAL GAP từ 5 năm nay và được các doanh nghiệp thu mua để xuất sang châu Âu.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn hồ tiêu xanh mướt của gia đình, ông Hải giải thích cách chăm sóc thế nào để vườn tiêu cho năng suất cao, tránh bị dịch bệnh, cách chăm sóc hồ tiêu theo hướng sinh học… Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là đến thời điểm này, mặc dù vụ thu hoạch tiêu đã gần kết thúc nhưng vườn tiêu của gia đình ông vẫn chưa được thu hái và vẫn còn nguyên đó những chùm hồ tiêu chín đỏ rực trong vườn.

Giải thích thắc mắc của chúng tôi, ông Hải cho hay: “Tôi đang chờ tiêu chín để làm tiêu sọ đấy. Tôi đã đặt cọc hơn 350 triệu để mua máy làm “tiêu ngũ sắc” (tiêu 5 màu) với giá 700 triệu đồng. Chỉ 3 hôm nữa, họ chuyển máy về".

Chính vì điều này, ông Hải cho rằng, để mọi người thấy được giá trị sản phẩm sau chế biến từ chính hạt tiêu trong vườn của mỗi gia đình, mình phải bỏ tiền ra làm trước trong vườn của gia đình mình đã để cho bà con xã viên trong thôn, trong xã thấy, chứ nói mà không làm thì họ không tin.

Cũng theo ông Hải, ngay việc thực hiện trồng tiêu hữu cơ, mấy năm trước, ông đã đích thân xin thành lập HTX hồ tiêu trên địa bàn xã Đắk N’Drung rồi, lúc đầu có rất nhiều người tham gia nhưng sau vài tháng thì gần như họ xin ra khỏi HTX vì lý do: Làm tiêu hữu cơ phức tạp quá, cứ làm theo truyền thống vẫn bán bình thường và giá cả cũng như nhau cả. Thế là từ xã Đắk N’Drung, ông phải sang xã Thuận Hà tham gia HTX Hồ tiêu Thuận Phát. Từ khi HTX Hồ tiêu Thuận Phát đi vào hoạt động, bất cứ công việc gì ông cũng phải làm trước từ cách bón phân hữu cơ cho vườn tiêu đến cách phòng trừ bệnh theo hướng sinh học, tất tần tật ông đều phải đi tiên phong.

Ông Hải chia sẻ: “Tại sao hồ tiêu của các nước trong khu vực được bán với giá 400.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg, còn tiêu của nước ta không thua kém gì mà giá bán chỉ 100.000 – 200.000 đồng là hết mức. Nhiều đêm, tôi nằm nghĩ mà thấy cay lòng”.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hải cho rằng, đến bây giờ, nhiều HTX, hộ nông dân, trong đó có xã viên HTX Hồ tiêu Thuận Phát đang bắt tay vào sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, khi đã có sản phẩm “sạch”, có uy tín thì nhất quyết phải đầu tư máy móc công nghệ chế biến để có sản phẩm giá trị cao hơn. Do vậy, ngoài việc đầu tư lò sấy công nghệ cao, công suất trên 4 tấn/1 mẻ, ông Hải còn mua sắm các loại máy chế biến tiêu sọ và sắp tới là máy làm “tiêu ngũ sắc”.

Thời gian qua, ông và một số xã viên đã gửi mẫu đi kiểm nghiệm và được đánh giá bảo đảm chất lượng. Tiếp đó, ông đã gửi hàng tấn hồ tiêu sang Gia Lai để làm “tiêu ngũ sắc” và được nhiều đối tác trong và ngoài nước đánh giá cao và đặt hàng với số lượng lớn.

Trong cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hồ tiêu Thuận Phát, ông Hải luôn trăn trở là làm sao để bà con có thu nhập bền vững với cây hồ tiêu và nhất là vấn đề xây dựng được lộ trình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, chứ không mãi để người trồng tiêu “tự bơi”. 

Ông Hải cho hay: Vừa qua, chúng tôi đã thành lập được HTX TM Hồ tiêu Thuận Phát, gồm có 30 xã viên, với diện tích hiện tại là trên dưới 100 ha. Sản phẩm tiêu sạch làm ra trong năm nay có thể đạt gần 100 tấn. Đây là năm đầu tiên áp dụng mô hình làm tiêu hữu cơ nên chúng tôi chỉ chọn một số hộ xã viên để làm. Nếu đầu ra thuận lợi, những năm tới HTX sẽ thực hiện ở tất cả các gia dình xã viên thì sản lượng tiêu sạch sẽ tăng lên con số 500 – 600 tấn tiêu sạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người nặng lòng với cây hồ tiêu Đắk Song
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO