Lan tỏa phong trào hiến đất ở Quảng Tân

Phạm Khánh| 25/07/2017 09:44

Hàng trăm hộ dân ở xã Quảng Tân (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) đã tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi. Phong trào hiến đất ở đây đang lan tỏa rộng rãi, góp phần giảm bớt áp lực cho chính quyền địa phương trong việc tìm quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng...

ADQuảng cáo

Trường mầm non Sơn Ca, bon Jâng K’liêng được xây dựng trên diện tích 600m2 đất do gia đình ông Nguyễn Văn Thông hiến tặng

Những con số của niềm tin

Trung tuần đầu tháng 7, chúng tôi về thôn Đắk K’rung, xã Quảng Tân và được chứng kiến người dân đang hứng khởi làm đường giao thông. Công trình có chiều dài 1,1 km đã được thi công gần hoàn thiện.

Ông Hoàng Quốc Sử, Bí thư Chi bộ thôn Đắk K’rung phấn chấn cho biết: “Trước đây, con đường liên thôn này chỉ là một lối nhỏ, rộng khoảng 2,5m và thường xuyên nhầy nhụa bùn đất, ngập nước, nhưng giờ giờ đây đã được mở rộng, nâng cấp. Việc nâng cấp tuyến đường tạo ra nhiều thuận tiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản".

Tổng kinh phí xây dựng tuyến đường là gần 600 triệu đồng, đều do người dân trên địa bàn tự đóng góp. Bình quân mỗi gia đình đóng khoảng 4 triệu đồng. Phục vụ việc nâng cấp tuyến đường, một số gia đình đã tự nguyện hiến đất, di dời công trình, nhà cửa, chặt bỏ cây trồng. Hơn 4.000m2 đất đã được các hộ trong thôn hiến cho chính quyền, trong đó có những hộ như ông Nguyễn Văn Vân, Nguyễn Văn Hoàng... đều hiến với diện tích đất khá lớn.

Tương tự, tại các bon như Jâng K’liêng, Mê Ra hoặc các thôn 6, 7… cũng có hàng chục hộ dân tình nguyện hiến đất để làm đường giao thông nông thôn. Nhờ đó, nhiều tuyến đường nông thôn được mở rộng, nâng cấp, phục vụ tốt nhu cầu đi lại cho người dân.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 300 người dân trên địa bàn xã Quảng Tân tự nguyện hiến tổng cộng hơn 5 ha đất để làm đường giao thông. Nhờ đó, chính quyền địa phương và người dân đã triển khai, xây dựng được160 km đường giao thông nông thôn trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân khác cũng hiến đất để xây dựng nhà văn hóa thôn, bon, trường học.

ADQuảng cáo

Điển hình như các hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thông, Điểu M’Đa (bon Jâng K’liêng); Điểu Phương, Điểu N’Janh (bon Mê Ra); Điểu N’Trú (bon Ja Lú); Thị S’rêm (Đắk Soun)... đã tự chặt cây cà phê và hiến tổng cộng 1,3 ha đất để xây dựng các công trình phúc lợi.

Sự lan tỏa của phong trào

Hiện nay, phong trào hiến đất ở Quảng Tân đang được chính quyền địa phương và người dân hưởng ứng một cách mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, một trong những người hiến đất để làm đường ở thôn Đắk K’rung cho biết: “Khi xã, thôn đề xuất làm đường, tôi và 5 hộ dân khác ở thôn Đắk K’rung đã tự nguyện chặt cà phê để mở rộng mặt bằng tuyến đường. Sau khi thấy chúng tôi làm như vậy, hàng loạt gia đình khác cũng nhiệt tình hưởng ứng và làm theo".

Còn ông Nguyễn Văn Thông, trú tại bon Jâng K’liêng, tâm sự: “Tôi cũng như các hộ dân khác, khi chính quyền đề ra chủ trương làm các công trình phục vụ cho dân sinh và con em trên địa bàn là hưởng ứng ngay. Chúng tôi không đắn đo gì tới chuyện hơn thiệt, mà cốt yếu là để cho con em trong thôn, bon có nơi học tập, bà con có nơi sinh hoạt”.

Theo ông Nguyễn Văn Quế, Chủ tịch UBND xã Quảng Tân, trước hết người dân hưởng ứng tích cực đối với phong trào hiến đất là vì tin tưởng vào cách làm của chính quyền địa phương. Chính quyền và người dân cùng nhau bàn bạc mức đóng góp, chọn đơn vị thi công, bầu ra ban giám sát. Nhân dân được hướng dẫn để công trình được thiết kế, thi công theo đúng yêu cầu của tiêu chí nông thôn mới. Đến khi công trình hoàn thành thì nhân dân ở thôn, xã có thể tự lo được các thủ tục hoàn công, thanh, quyết toán. Cách làm minh bạch, người dân biết đồng tiền của mình bỏ ra đúng mục đích, không thất thoát nên đã tăng cường được sự tin tưởng, đoàn kết, thống nhất cao, sẵn sàng hiến đất để xây dựng công trình phúc lợi.

 Ông Quế cho biết thêm: “Hiện nay, không chỉ hiến đất, người dân còn tự di dời các công trình phụ, ủng hộ tiền của, ngày công lao động để sớm hoàn thành công trình. Những việc làm nói trên rất có ý nghĩa, thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đề ra. Đồng thời, giúp Nhà nước tiết kiệm được kinh phí trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ, cũng như sớm đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Quỹ đất của địa phương hạn chế, việc người dân tự nguyện hiến đất giúp xã giải tỏa áp lực hoàn thành nông thôn mới về các tiêu chí xây dựng hạ tầng cơ sở. Nếu chủ trương bê tông hóa sớm được triển khai, người dân tại địa phương sẵn sàng đóng góp để thực hiện”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa phong trào hiến đất ở Quảng Tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO