Làm hết trách nhiệm, vì lợi ích của dân

Bài, ảnh: Hoàng Hoài| 23/10/2018 09:34

Với phương châm “dân vận khéo việc gì cũng thành công”, bà Lê Thị Liên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, Bí thư Chi bộ bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà (Đắk Song) luôn “khéo” vận động người dân.

ADQuảng cáo

Chuyện vận động ông Chương

Câu chuyện về việc vận động ông Nông Văn Chương ở bản Đầm Giỏ hiến đất xây nhà cho gia đình chính sách đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với bà Liên. Bởi ông Chương thường xuyên uống rượu, cũng vì rượu mà tính cách thay đổi thất thường, lúc tỉnh thì đồng ý hiến, nhưng rượu vào ông lại không cho. Vì vậy, để có đất làm nhà tình nghĩa cho bà Trương Thị Ong (mẹ liệt sĩ), bà Liên đếm không xuể số lần mình đi đến vận động ông Chương.

Mỗi ngày, bà đều tranh thủ gặp ông Chương phân tích về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người có công cũng như sự cần thiết phải làm nhà cho bà Ong. Cứ như vậy, “mưa dầm thấm lâu”, dần dần, ông Chương hiểu ra rồi mới đồng ý. 

Nhờ sự kiên trì thuyết phục của bà Liên (ngoài cùng bên trái), bà Ong đã được xây dựng căn nhà mới để ở

Bà Liên cho biết: “Tôi không biết đi xe máy, mỗi lần đều nhờ chồng chở, không thì đi bộ. Vì cái tình, cái nghĩa và trách nhiệm, nên khó khăn tôi không hề nản, cứ cố gắng làm hết sức, hết lòng”. Vận động hiến đất đã khó, nhưng vận động ông Chương bỏ rượu lại càng khó hơn. Đó cũng chính là lý do người dân gọi bà Liên là  “khéo vận động”.  

Qua vận động của bà Liên, từ việc ngày nào cũng say xỉn, nay ông Chương từ bỏ hẳn rượu chè, chí thú làm ăn. Theo ông Chương, ông uống rượu thời còn trẻ nên một ngày không ăn cơm thì chịu được, chứ rượu thì không thể thiếu. Vì vậy, việc vận động không phải tính theo ngày, tháng mà tính theo năm. Hễ gặp ông Chương ở đâu, bà Liên cũng đều khuyên bảo bỏ rượu. Lần một, lần hai, ông bỏ ngoài tai, nhưng riết rồi cũng ngấm. Ban đầu, ông uống giảm dần và đến nay thì bỏ hắn.

Ông Chương cho biết: “Mình uống rượu nhiều thành thói quen, nên bỏ khó lắm. Nếu không có cán bộ Liên thường xuyên vận động, khuyên nhủ thì chắc không bỏ đâu. Cũng nhờ cán bộ Liên mà bây giờ tôi đã thoát được nghèo”.

Hiện nay, nhờ tích cóp, suy tính làm ăn, gia đình ông Chương đã có hơn 12 ha đất trồng cây dài ngày và ngắn ngày. Thấy gia đình ông Chương ăn nên làm ra, có lẽ người vui nhất chính là bà Liên. Bởi thành quả ông Chương có được chính là động lực tinh thần để bà thêm gắn bó với nghề “vác tù và hàng tổng”.

Thông qua vận động của bà Liên (bên phải), ông Chương đã bỏ rượu và tập trung phát triển kinh tế

ADQuảng cáo

Làm trước để dân làm theo

Theo bà Liên, vận động không khó, nhưng làm thế nào để người dân nghe, hiểu và làm theo mới là điều quan trọng. Chính vì vậy, bà luôn xác định, bản thân và gia đình phải là tấm gương sáng, tiên phong trong mọi việc. Như trước khi vận động bà con hiến đất làm công trình công cộng, bà Liên đã tự nguyện hiến 8.000m2 đất xây trường học cho các cháu trong bản.

Bà Liên cho biết: “Trách nhiệm của người đứng đầu bản rất quan trọng, bởi mình chính là tấm gương để những đảng viên, quần chúng khác noi theo. Do đó, trong công việc nào cũng vậy, mình phải luôn tâm niệm việc gì tốt cho nhân dân thì nên làm và được góp sức mình đem lại lợi ích cho nhân dân là niềm vui”.

Từ việc tiên phong, nêu gương đó, khi vận động, bà luôn được nhân dân đồng tình làm theo. Như việc bà vận động anh Lý Dào Lấy hiến hàng trăm m2 đất để xây hội trường cho bản. Anh Lấy cho biết: “Việc nào bà Liên cũng làm trước rồi nên chúng tôi nhìn vào đó mà làm theo thôi. Hơn nữa, việc hiến đất xây hội trường bản cũng giúp chúng tôi sinh hoạt cộng đồng thuận lợi và thoải mái hơn, nên khi bà nói chủ trương, chúng tôi đồng thuận liền”.

Để người dân làm theo, bà Liên tiên phong hiến đất để xây dựng trường học

Tất cả vì người dân

Trong các phong trào, hoạt động của bản, với vai trò Bí thư Chi bộ bản Đầm Giỏ, bà Liên phát huy hết trách nhiệm của người đứng đầu. Năm 2011, khi bà mới đảm nhận bí thư, Chi bộ bản Đầm Giỏ là một trong những chi bộ yếu kém nhất của xã Thuận Hà. Trước thử thách này, bà luôn suy nghĩ làm thế nào để hoàn thành chức trách, niềm tin mà cán bộ, đảng viên và nhân dân giao phó.

Từ đó, một mặt bà tích cực học hỏi những người đi trước rồi các chi bộ khác để tham mưu và tìm các giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn chi bộ. Mặt khác, bà chú ý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để xây dựng nghị quyết được sát thực. Nếu các chi bộ khác, một tháng họp một lần thì Chi bộ bản Đầm Giỏ họp vài lần trong một tháng là chuyện thường tình.

Theo bà Liên, họp nhiều để tìm tiếng nói chung, tạo tính dân chủ, đóng góp ý kiến trước mỗi vấn đề của thôn để khi nghị quyết ban hành sẽ tạo được sự đồng thuận cao nhất trong Đảng, trong dân. Nhờ đó, nghị quyết của chi bộ đưa ra luôn sát thực và đi vào thực tiễn cuộc sống. Vai trò của cán bộ, đảng viên trong thôn cũng được nâng lên, nhất là niềm tin của nhân dân vào tổ chức ngày càng được củng cố, nâng cao.

Bản Đầm giỏ hiện có 274 hộ dân, nhưng hộ nghèo chỉ còn 6,3%, trong khi đó năm 2012 hộ nghèo chiếm hơn 50%. Kết quả này là nhờ bí thư chi bộ thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tự giác chủ động trong phát triển kinh tế, không ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Nhiều năm liền, bản Đầm Giỏ đều được công nhận bản văn hóa.      

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm hết trách nhiệm, vì lợi ích của dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO