Học và làm theo Bác từ những tấm gương bình dị mà cao quý

Hoàng Hoài| 11/11/2020 08:44

Với những câu chuyện về những điển hình đang sinh sống, học tập, công tác trên địa bàn tỉnh, Hội thi kể chuyện gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức mới đây đã để lại nhiều bài học sâu sắc.

ADQuảng cáo

Xúc động câu chuyện tình đồng chí, đồng đội

Câu chuyện của thí sinh Bùi Thị Khánh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) kể về cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) gần 15 năm lặn lội đi tìm hài cốt đồng đội đọng lại trong  người nghe nhiều cảm xúc.

Phần thi của thí sinh Nguyễn Thị Hảo (Công an tỉnh)

Năm 21 tuổi, ông Chung nhập ngũ, được điều động vào chiến trường miền Nam chiến đấu, thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 271, Bộ Tư lệnh miền Đông. Cuối năm 1973, ông cùng đồng đội vượt qua hàng trăm cây số lên mặt trận Quảng Đức (cũ) chiến đấu hơn 3 năm. Trong những năm 1973-1975, chiến sự khu vực này diễn ra ác liệt, chứng kiến bao đồng đội hy sinh, được chôn cất vội nơi rừng sâu, núi thẳm, ông đã tranh thủ vẽ lại sơ đồ, đánh dấu những điểm đồng đội nằm xuống với mong muốn sau này trở lại, đưa về với gia đình.

Năm 2006, từ sơ đồ cũ, ông Chung đã phối hợp tìm thấy hài cốt liệt sĩ Vũ Tá Thường tại thôn 8, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) và 4 liệt sĩ khác đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đắk R’lấp. Sau 40 năm, chiến trường xưa bây giờ hoàn toàn đổi khác, cuộc tìm kiếm khó khăn hơn rất nhiều, ông Chung chỉ mong sao tìm được nhiều nhất có thể, để các đồng đội có cơ hội được về với gia đình.

Vào năm 2017, tại đồi Đạo Trung, xã Nâm N’Jang (Đắk Song), ông Chung cùng đồng đội đã tìm được một khu mộ tập thể chôn cất 33 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 271.

Theo thí sinh Bùi Thị Khánh, câu chuyện về ông Chung một lần nữa cho thấy, tình đồng chí, đồng đội luôn được những người lính nâng niu, trân trọng trong mọi hoàn cảnh. Dù thời chiến hay thời bình, những tình cảm ấy vẫn luôn được hun đúc bằng nhiều việc làm như giúp nhau cùng vươn lên trong cuộc sống, sẻ chia lúc khó khăn hoạn nạn, gương mẫu trong cuộc sống đời thường. Tình cảm của ông Chung dành cho đồng đội là bài học về sự tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc mà thế hệ hôm nay không bao giờ được phép lãng quên.

Chuyện "cô Tiên" giữa đời thường

Câu chuyện "Hãy cho đi để nhận lại thật nhiều", do thí sinh Trương Thị Tường Vy (Đắk R’lấp) kể về chị Lê Thị Thủy Tiên, tổ dân phố 1, thị trấn Kiến Đức (Đắk R'lấp)-người gắn bó với công việc thiện nguyện, giúp người để tâm sáng hơn đã giúp người nghe hiểu hơn về công tác thiện nguyện.

"Bén duyên" với công tác nhân đạo từ năm 2012, trong một lần nằm viện, chị Thủy Tiên thấy một người chồng có vợ bị chết, nhưng trong túi chỉ vỏn vẹn có 50.000 đồng. Lúc đó, như quên cơn đau, chị Tiên cầm chiếc hộp đi khắp bệnh viện, xung quanh khu vực chợ Đắk R’lấp xin quyên góp để giúp người chồng an táng vợ mình. Cũng bắt đầu từ đó, chị Tiên ngày càng gắn bó hơn với công tác thiện nguyện.

ADQuảng cáo

Giai đoạn 2016-2020, chị đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, với số tiền hơn 13 tỷ đồng. Để nhà hảo tâm tin tưởng, bản thân chị trực tiếp khảo sát, tìm hiểu, ghi chép, chuyển tải hình ảnh hoàn cảnh cần giúp đỡ lên mạng xã hội để việc vận động được thực chất, đúng người, đúng đối tượng.

Với chị Tiên chỉ cần mắt mình thấy, tai mình nghe, trái tim mình đau vì những hoàn cảnh nào còn khổ là lại đứng lên để đi kêu gọi. Câu chuyện về chị Tiên một lần nữa cho thấy, thiện nguyện là việc xuất phát từ cái tâm. Việc giúp người khó khăn không chỉ là trách nhiệm của xã hội mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, trên tinh thần ai có gì giúp nấy, không có vật chất thì hỗ trợ bằng tinh thần.

Thí sinh Bùi Thị Khánh với câu chuyện về cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung đi tìm hài cốt liệt sĩ đã xuất sắc giành được giải nhất

Mỗi điển hình được kể thực sự rất ấn tượng

Ngoài 2 câu chuyện trên, trong hội thi, mỗi câu chuyện được kể đều gợi lên cho người nghe những bài học sâu sắc về đạo đức, tư tưởng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là bài học về tình yêu thương con người, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư hay vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Có thể kể đến tấm gương cậu học sinh Trịnh Văn Những qua lời kể của thí sinh Trương Thị Diễm My đã vượt qua nhiều biến cố của cuộc sống để vươn lên đạt thành tích cao trong học tập. Cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dung ở Krông Nô với tình yêu thương học trò vô hạn đã tìm mọi cách để kêu gọi ủng hộ giúp các em có bữa cơm ngon, giấc ngủ an lành.

Hay câu chuyện về Đại tá Hồ Quang Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh do thí sinh Nguyễn Thị Hảo kể, với "tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ", ông đã chỉ đạo, quyết tâm phá thành công nhiều chuyên án lớn, trong đó nổi bật là vụ gian lận, buôn bán xăng dầu giả. Không những vậy, Đại tá Thắng còn là người cán bộ luôn gần gũi với đồng nghiệp, người dân với lối sống bình dị…

Chị Nguyễn Thị Hằng (Gia Nghĩa) cho biết: “Mỗi điển hình được kể thực sự rất ấn tượng, cuốn hút tôi phải theo dõi, không thể rời mắt. Qua mỗi câu chuyện, tôi nhận ra được một điều, Bác có vô vàn điều cần phải học. Do đó, mỗi người tùy khả năng, hoàn cảnh, công việc của mình cố gắng học và làm theo một điều cho thật tốt là quá đủ. Mỗi người học, làm theo Bác một ít thì dần dần nhiều người sẽ tạo nên phong trào học và làm theo Bác sâu rộng hơn”.

Điều đáng quý, tại hội thi kể chuyện, một số nhân vật điển hình trong các câu chuyện cũng trực tiếp đến dự và có mặt trên sân khấu làm ấm lòng người xem.

Hội thi diễn ra trong 2 ngày, nhưng dư âm của những câu chuyện chắc chắn vẫn còn đọng mãi trong lòng người nghe, người theo dõi. Qua mỗi câu chuyện, mỗi người đều hiểu rằng học và làm theo Bác không cần phải đâu cao xa mà học ngay từ chính những tấm gương bình dị mà cao quý, ngay trong cuộc sống thường ngày.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học và làm theo Bác từ những tấm gương bình dị mà cao quý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO