Học và làm theo Bác đức tính tiết kiệm

Hoàng Hoài| 07/03/2017 09:18

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt chuyên đề “Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với các địa phương trong tỉnh.

ADQuảng cáo

Hội nghị đã nghe Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày một số nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hơn 15 năm nay, ông Đường Đức Tịnh ở xã Đắk Sin (Đắk R'lấp) đều nuôi heo đất để giúp người nghèo

Bằng tình cảm thiêng liêng kính yêu Bác, với kiến thức uyên thâm, phương pháp mạch lạc, khoa học, cùng những câu chuyện sinh động về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ, GS-TS Hoàng Chí Bảo đã trình bày một cách có hệ thống, tập trung vào những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong bài nói chuyện của mình, GS-TS Hoàng Chí Bảo đã nhấn mạnh đến đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh có bốn chữ “cần, kiệm, liêm, chính”. Cả cuộc đời thực hành đạo đức, nhất là thực hành chữ “kiệm”, tiết kiệm đến mức khắc khổ để nêu gương.

GS-TS Hoàng Chí Bảo kể: Mùng 2/9/1945, Bác đọc Tuyên ngôn độc lập trên tư cách Chủ tịch Chính phủ lâm thời. Ngay hôm sau họp Chính phủ phiên đầu tiên, Bác đã tuyên bố là nhịn ăn để lấy gạo nuôi dân. Bác bảo: “Tôi đề nghị các ngài bộ trưởng ủng hộ tôi một chủ trương, phát động ngay trong Chính phủ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi bữa là một bơ gạo, đem gạo cứu dân nghèo, tôi xin làm trước tiên”.

Là Chủ tịch nước nên Bác cũng có lương, nhưng thời đó có đáng là bao mà Bác lại cho hết. Bác dặn tiêu pha cho Bác xong, còn lại bao nhiêu may cho Bác một túi vải để vào đấy, cần gì Bác sẽ nói. Các cụ già thượng thọ, Bác đều gửi thư mừng, có quà. Các bà mẹ sinh 3, sinh 4, Bác đều gửi thư, gửi quà. Bộ đội, công an, thanh niên xung phong là lực lượng hy sinh, vất vả, Bác thương nhất. Có khi mấy tháng lương Bác tiết kiệm để dành mua nước uống cho các chiến sĩ phòng không trực pháo trên các nóc nhà thời chống Mỹ.

Khi Bác mất, đồng chí Vũ Kỳ đã nộp lại cho Trung ương Bản di chúc và túi tiền tiết kiệm giữ lại của Bác. Vì vậy, tiết kiệm là một đức tính được nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước học và làm theo tích cực nhất.

ADQuảng cáo

Tìm hiểu thêm xung quanh vấn đề này, chúng tôi được biết, không phải đến bây giờ mà mấy chục năm nay, ông Vi Hoa Lư, hiện sinh sống ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) đã lựa chọn học tính tiết kiệm của Bác.

Theo ông Lư chia sẻ, từ “kiệm” của Bác không đơn giản chỉ là tiết kiệm, nay một đồng, bớt một miếng cơm, sẻ một chiếc áo là xong mà có vô vàn ý nghĩa. Bác “kiệm” trong mọi vấn đề của cuộc sống và được xâu chuỗi trong mỗi việc, mỗi lúc, mỗi nơi. Ở đây, chữ kiệm của Bác không chỉ tiết kiệm về vật chất mà nó còn là tiết kiệm về thời gian và công sức. Đối với thời gian, Bác luôn tuân thủ nguyên tắc đúng giờ. Với Bác, đến trễ 5 phút không phải là chuyện nhỏ, bởi 5 phút đó phải được nhân lên cho sự chờ đợi của nhiều người. Ở đây, học Bác không chỉ ở sự đúng giờ mà còn là thái độ quý thời gian.

Ông Lư tâm sự: “Tôi rất tâm đắc với suy nghĩ và cách làm này của Bác, nên trong suốt quá trình hoạt động cách mạng cũng như sau này, đảm nhận các chức vụ khác nhau về Đảng, chính quyền, tôi luôn coi trọng nguyên tắc đúng giờ. Bởi khi một sự kiện, đơn giản hơn là một cuộc họp được tổ chức đúng giờ thì người đến dự mới phấn khởi, họp hành nghiêm túc. Chứ cứ kiểu chờ đợi hay ai đến sớm họp sớm, đến muộn họp sau thì không còn gì là tổ chức, là nguyên tắc”.

Cũng học Bác đức tính tiết kiệm, hiện nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tiết kiệm để chị em tham gia từ những việc nhỏ nhất, ai cũng có thể làm như tắt đèn, tắt quạt, tắt điều hòa khi ra khỏi phòng làm việc, ra khỏi nhà; tiết kiệm giấy in, mực in, biến phế liệu… để dành tiền giúp phụ nữ nghèo.

Hay hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh kêu gọi hội viên tiết kiệm 5.000 đồng/người/năm để giúp phụ nữ nghèo. Như vậy, 1 người 5.000 đồng thì không đáng là bao, nhưng hàng vạn phụ nữ đều góp thì sẽ có số tiền lớn. Cũng học Bác tính tiết kiệm “một nắm khi đói bằng một gói khi no”, hiện nay, trong tỉnh đã xuất hiện các mô hình Hũ gạo tình thương, Ống tre tiết kiệm, Nuôi heo đất… với tinh thần chung tay vì người khó khăn. Vậy là tiết kiệm này nó đã bao hàm trong đó lòng yêu thương con người, sẻ chia với người nghèo khó, một truyền thống nhân ái bao la của dân tộc.

Điển hình như ông Đường Đức Tịnh ở thôn 5, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) dù cuộc sống còn những khó khăn, vất vả, nhưng hơn 15 năm nay, năm nào ông cũng nuôi “heo đất” để lấy tiền giúp người nghèo. Ông nuôi nó bằng sự trân trọng, yêu thương, những đồng tiền dù mệnh giá thấp, nhưng khi “đập heo” ra nó lại phẳng phiu như chính tấm lòng của ông vì người nghèo vậy. Từ đó, chúng ta mới thấy rằng, cái khó nhất cần thay đổi lại chính là tư tưởng tiết kiệm cho ai.

Qua những việc này cho thấy, học Bác không phải những điều cao siêu, khó làm mà học từ những cái nhỏ. Thông thường, chúng ta chủ yếu tiết kiệm cho mình, nhưng ít ai nghĩ rằng sẽ tiết kiệm vì người khác. Vậy thì học tập và làm theo Bác, chắc chắn cần phải tiết kiệm cả những gì không phải của mình, tiết kiệm cho những người xung quanh, cho tập thể, tiết kiệm vì lợi ích chung, lợi ích trước mắt, lâu dài.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học và làm theo Bác đức tính tiết kiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO