Học Bác phong cách quần chúng, nêu gương

Hoàng Hoài| 25/01/2017 08:47

Học tập và làm theo Bác Hồ phong cách quần chúng, nêu gương, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có những suy nghĩ, cách làm phù hợp. Những việc làm tuy không lạ và dễ dàng bắt gặp ở nhiều nơi, nhưng đó lại là những nhân tố tích cực, góp phần tạo nên sức lan tỏa trong cuộc sống.

ADQuảng cáo

Mỗi khi có dịp, anh Nguyễn Văn Trung, cán bộ Văn phòng - Thống kê UBND xã Nam Dong (Chư Jút) thường xuyên xuống gặp gỡ người dân để hiểu thêm về tâm tư, nguyện vọng

Nuôi heo đất giúp người nghèo

Một ngày trời mưa dầm, quãng đường khoảng 2 km từ UBND xã Đắk Sin (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) vào nhà ông Đường Đức Tịnh ở thôn 5 tuy ngắn, nhưng chúng tôi phải đi mất gần cả tiếng đồng hồ. Vào đến nhà ông, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt đó là căn nhà làm bằng gỗ tạm, nền đất ẩm ướt, xung quanh vách nhà có những nơi còn phải che chắn bằng bao bạt.

Qua tìm hiểu được biết, năm 1995, với số vốn tích cóp nhiều năm, cộng tiền nghỉ hưu một lần, ông Tịnh lên đây lập nghiệp và mua được 4 ha đất để trồng tiêu. Nhưng được một thời gian không lâu, cây tiêu bệnh rồi chết, ông chuyển sang trồng cà phê, điều, cao su và đào ao thả cá. Mỗi năm, trừ chi phí, ông có nguồn thu khoảng 200 triệu đồng, vậy mà vẫn chưa thể làm căn nhà cho đàng hoàng vì nhiều lý do.

Ông Tịnh cho biết: “Số tiền làm lụng được, tôi chia ra nhiều phần, phần gửi về chăm vợ bệnh, phần để tái đầu tư, lo cuộc sống thường nhật và phần để giúp người nghèo hơn”.

Gần 16 năm nay, ông nuôi heo đất làm bầu bạn, sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống với những người nghèo. Con heo đất được gói cẩn thận trong bọc ni lông để phía dưới đầu giường, mà như ông nói đó là nơi huyết mạch, sự tôn trọng đối với đồng tiền mình làm ra và sự đồng cảm đối với người nghèo.

Ông Tịnh kể: “Mỗi ngày đi chợ về, có dư nhiều tôi bỏ nhiều, có ít bỏ ít. Nhiều lúc túng thiếu, con heo vẫn nằm đó, ngay tầm mắt, nhưng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ đập heo để sử dụng”. Mỗi khi thôn thông báo quyên góp cho quỹ vì người nghèo, ông đưa con heo ra lau chùi, đặt ở giữa nhà rồi tâm sự lần cuối trước khi đập.

Con heo của ông Tịnh khi đập ra, tiền có nhiều mệnh giá khác nhau, ít nhất là 10.000 đồng, nhiều nhất 200.000 đồng. Đồng tiền phẳng phiu, không nhàu nát, chứng minh ông rất cẩn thận và thể hiện sự trân trọng đối với người nghèo.

Theo chia sẻ của ông Tịnh, thời điểm thôn thu quỹ, trong nhà cũng có tiền để đóng, nhưng ông lại chọn nuôi heo. Bởi nuôi heo đất chính là nuôi đứa con, phải chăm bẵm nâng niu thì mới lớn và theo thời gian, tình cảm của ông dành cho con heo, cho những đối tượng ông hướng đến giúp đỡ ngày càng lớn lên.

Gương mẫu, làm trước để bà con theo

Gắn bó với bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực (Tuy Đức) ngay từ những ngày đầu mới được thành lập, ông Điểu Toi, Bí thư Chi bộ, Trưởng bon Bu Prăng 1 luôn suy nghĩ, cấp ủy, chính quyền, nhân dân đã tin tưởng giao cho trọng trách thì mình cần phải làm gì để xứng đáng với niềm tin trên. Vậy là, không kể khó khăn, vất vả, ông thường xuyên tuyên tuyền, vận động 84 hộ dân trong bon ổn định tư tưởng, an tâm sản xuất, đoàn kết giữ gìn an ninh vùng biên giới.

ADQuảng cáo

Khi chính quyền địa phương có chủ trương xây dựng Trường mầm non Hoa Ngọc Lan và Trường tiểu học Lê Đình Chinh cho bon, ông đến từng hộ, gặp từng người giải thích, vận động bà con hiến trên 2 ha đất. Nhờ đó, hiện nay, con em đi học gần, bà con ai cũng phấn khởi.

Ông Điểu Toi cho biết: “Vận động là phải chỉ ra cho bà con thấy được ý nghĩa, lợi ích chung của mỗi việc làm. Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người một suy nghĩ, tính cách, đòi hỏi mình phải kiên trì, nhẫn nại. Hơn nữa, người đứng ra vận động cũng phải gương mẫu, mình làm trước thì bà con mới làm theo”.

Để dân tin, ông luôn lắng nghe họ kể chuyện, qua đó xem họ cần gì. Như trong phát triển kinh tế, ông phát động bà con làm ruộng, khoảnh ruộng nào không bị ngập úng, khô hạn thì trồng lúa 2 vụ, đưa giống lúa mới vào gieo cấy. Bên cạnh đó, ông còn tham gia vào tổ tự quản an ninh mốc giới, thường xuyên phối hợp vận động, tuần tra, kiểm soát về an ninh trật tự, nhất là vận động bà con không xâm canh, phát nương làm rẫy ở các khu vực đường biên, mốc giới…

 “Việc chi bộ, việc thôn tuy vất vả, mất nhiều thời gian, phụ cấp chẳng bao nhiêu, nhưng thay vào đó tôi lại nhận được kết quả lớn là có thêm bạn, thêm niềm tin, chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân. Đây cũng là động lực để tôi gắn bó với công việc và luôn rèn luyện bản thân, nêu cao tính gương mẫu của người đứng đầu”, ông Điểu Toi cho biết thêm.

Với suy nghĩ đó, ngoài việc nuôi dạy con cái trưởng thành, ngoan ngoãn, ông Điểu Toi còn nỗ lực làm kinh tế. Hiện nay, gia đình ông có 800 cây cà phê, trên 100 trụ tiêu, 480 cây mắc ca, 3 sào lúa và chăn nuôi 8 con bò, luôn cho thu nhập cao.

Làm hết việc chứ không hết giờ

“Làm hết việc chứ không hết giờ, làm ngày không xong tranh thủ làm đêm”, đó là phương châm làm việc của anh Nguyễn Văn Trung, cán bộ Văn phòng - Thống kê UBND xã Nam Dong (Chư Jút). Ấy vậy mới dẫn đến nhiều chuyện “dở khóc dở cười” mà cả xã ai cũng biết.

Chuyện là, nhiều lần được vợ giao đón con đi học về, nhưng lu bu công việc, anh Trung để quên con ở trường. Đến khi nhớ ra thì trường tan học lâu rồi, cũng may có bác bảo vệ trường đưa về nhà bác giùm. Chưa kể, nhiều hôm, anh phải cầu cứu người thân, họ hàng đón con giùm vì không thể dứt việc ra được. Mới đầu, vợ anh còn “lời nặng tiếng nhẹ”, nhưng bây giờ hiểu công việc của chồng, nên gia đình luôn vui vẻ.

Anh Trung cho biết: “Công việc của văn phòng - thống kê nhiều lắm, bởi đây là đầu mối của các hoạt động ở xã. Mỗi ngày văn bản đến, đi, kế hoạch trên xuống rất nhiều, đòi hỏi phải thực sự tỉnh táo và sắp xếp một cách khoa học, để làm sao khi lãnh đạo cần, mình biết nó để ở đâu, văn bản nào cần tham mưu sớm, văn bản nào để lại sau”.

Anh Trung cũng thường xuyên đôn đốc các bộ phận thực hiện nhanh, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ. Nhiều năm gắn bó với công việc, anh chưa bao giờ để văn bản chậm trễ.

Công việc đòi hỏi phải thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, nên anh rèn cho mình thái độ bình tĩnh, ứng xử đúng mực để xử lý mọi việc ổn thỏa.

Anh Trung nói: “Bản thân tôi luôn nắm bắt tâm lý người dân để tạo sự gần gũi, thân thiện trong giao tiếp. Thời gian rảnh, tôi cũng thường xuyên sâu sát cơ sở nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con. Có lúc người dân lên giao dịch, lãnh đạo đi vắng, mình hẹn đến chiều trả hồ sơ, nhưng vì nhiều nguyên nhân, bà con lên lấy mà chưa xong, nóng lên, những lúc đó, tôi đều mềm mỏng, khéo léo. Bởi tôi hiểu, nếu xử lý không khéo thì giữa chính quyền và nhân dân sẽ không tìm được tiếng nói chung, dễ gây hoài nghi trong dân. Nghề là do mình chọn, nên mình phải đam mê, trách nhiệm với nó. Công việc có lúc vất vả, nhưng có lúc thảnh thơi, nên mình tự tạo niềm vui, nỗ lực cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học Bác phong cách quần chúng, nêu gương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO