Học Bác để đổi thay cách nghĩ, cách làm (kỳ 3): Xây dựng những điển hình mang tính bền vững, lâu dài

Hoàng Hoài| 11/06/2020 08:56

Sau 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05, trên địa bàn huyện Krông Nô đã xuất hiện ngày càng nhiều những cá nhân, tập thể điển hình với cách làm sáng tạo, thiết thực, tạo sức lan tỏa sâu rộng, nhất là bảo đảm tính kế thừa, lâu dài, bền vững.

Bếp ăn của cô Dung

Trong các cá nhân được các cấp, ngành khen thưởng về học và làm theo Bác của huyện Krông Nô thì người đầu tiên cần nói đến là cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dung, Trường tiểu học Võ Thị Sáu, xã Đắk Nang. Câu chuyện của cô Dung được gắn với hình ảnh những bữa cơm của các em học trò nghèo.

Bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng cho các em học sinh do cô giáo Dung kêu gọi hỗ trợ

Năm học 2019-2020, bếp ăn bán trú mà các em hay gọi “Bếp ăn của cô Dung” của Trường tiểu học Võ Thị Sáu được dựng lên và duy trì nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng. Nơi xây dựng, là mảnh đất rộng hơn 1 sào, do mọi người quyên góp mua tặng, trong đó cô Dung có công lao lớn nhất.

Theo cô Dung tâm sự, sau khi nhận được lá thư của một học trò nghèo tâm sự vì không đủ ăn mà phải bỏ học giữa chừng, cô giáo đã tìm đến tận nhà để động viên em đến trường, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của mình. Thế nhưng, dù thuyết phục thế nào, cô bé ấy cũng không quay lại trường. Từ ngày đó, sau mỗi giờ dạy, cô giáo nán lại trường khoảng 1 tiếng đồng hồ để tìm hiểu sâu hơn cuộc sống của các em. Nhìn cảnh các em đi học chỉ có nắm cơm nguội đựng trong bịch nilông ăn kèm với một miếng đường hoặc quả cà kho mặn chát, cô không kìm được lòng. Từ đó, cô chụp lại hình ảnh ấy, đưa lên trang Facebook cá nhân, như một lời tâm sự của mình, kêu gọi mọi người giúp đỡ các em. Ban đầu, chỉ là 1 bữa ăn/tuần, đến nay hơn 150 học sinh của trường được ăn 4 bữa/tuần, có nơi ăn chỗ ngủ rộng rãi, thoáng mát và vệ sinh.

Không chỉ giúp đỡ học sinh nghèo trong xã, cô giáo Dung còn là cấu nối để các nhà hảo tâm hỗ trợ kịp thời các em học sinh khó khăn khác trong huyện (Ảnh: Cô giáo Dung (bên trái) tặng quà cho học sinh nghèo xã Buôn Choáh ( Krông Nô)

Cô Dung cho biết: “Bác Hồ đã từng nói , có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?. Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất… Từ lời dạy của Bác, tôi mới hiểu rằng, muốn vẻ vang thì phải có học trò, nếu chỉ vì nghèo mà các em phải nghỉ học giữa chừng thì người thầy giáo không còn vẻ vang mà có lỗi với đất nước, với các em. Vì vậy, tôi chỉ mong muốn góp một phần bé nhỏ của mình để các em tiếp tục được đến trường học chữ, học làm người”.

Hiện nay, ngoài việc giúp duy trì bếp ăn bán trú cho học sinh trong trường, cô Dung còn là cầu nối mang tấm lòng của các nhà hảo tâm đến với nhiều hoàn cảnh khó khăn khác trong huyện để tiếp bước các em đến trường.

Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung

Là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Đà, ông Phạm Ngọc Ánh được xem là một cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau, ít tiền làm trước, nhiều tiền làm sau”, ông Ánh đã góp phần xây dựng chính quyền kiến tạo vì Nhân dân phục vụ, cũng như đưa Nam Đà về đích nông thôn mới trước 3 năm so với kế hoạch.

Theo ông Ánh tâm sự, làm việc gì, ông cũng xác định người dân là chủ thể và cán bộ, đảng viên là lực lượng nòng cốt để triển khai thực hiện. Cách làm của ông là chú trọng đến công tác tuyên truyền và huy động sự tham gia của toàn dân. Đó là phát huy hiệu quả hệ thống truyền thanh với 46 cụm loa rải đều ở các thôn bon; đồng thời phối hợp với Vinaphone thực hiện kết nối tin nhắn qua điện thoại cho trên 5.000 người dân để nhận thông tin từ chính quyền địa phương.

“Hiệu quả của kênh tuyên truyền mà chúng tôi nhận thấy đó chính là nhận thức của người dân chuyển biến rõ nét. Người dân hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới nên từ việc ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước thì nay đã chủ động, tự tin tham gia tích cực vào việc thực hiện các tiêu chí đề ra”, ông Ánh cho biết.

Người dân xã Nam Đà sẵn sàng đóng góp kinh phí để mở rộng đường bê tông

Cũng theo ông Ánh, dân là gốc của mọi vấn đề, do đó, làm việc gì, xã cũng lấy ý kiến dân, lấy từ dưới lên chứ không phải trên áp đặt xuống. Như để mở rộng đoạn đường bê tông của thôn Nam Nghĩa dài khoảng 500 m, dù chỉ có ít hộ dân được hưởng lợi, nhưng phải lấy ý kiến rất nhiều lần. Những hộ nào không đồng thuận, ông trực tiếp mời lên UBND xã để gặp gỡ, trao đổi, cũng như giải thích vướng mắc. Nếu người dân khó khăn, chưa có tiền đóng, ông làm việc với bên nhà thầu, cơ sở vật liệu cho người dân nợ tiền đến thu hoạch mùa màng. Cứ như vậy, đến nay, con đường của thôn Nam Nghĩa đã được mở rộng.

Đặc biệt, ông còn vận động bà con thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Hiện nay, các gia đình có người mất thì không rải vàng mã ra đường như trước. Đối với cưới xin, xã tổ chức trao giấy đăng ký kết hôn tập thể 1 tháng 1 lần cho các cặp vợ chồng ngay tại trụ sở. Với những cách làm này, xã Nam Đà được coi là một trong những điểm sáng của huyện về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền vì dân phục vụ. Niềm tin của người dân đối với bộ máy chính quyền xã ngày càng được nâng cao, trong đó ông Ánh được xem là đầu tàu.

Ông Ánh cho biết: “Mỗi việc muốn được người dân đồng tình, ủng hộ thì bản thân những người đứng đầu, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm trước. Như trong làm đường giao thông, anh đi vận động dân, nhưng gia đình anh cũng hưởng lợi trên con đường đó mà chưa làm thì nói không ai tin. Hay trong việc bỏ tập tục rải vàng mã khi ma chay, tôi cũng yêu cầu gia đình cán bộ, đảng viên phải làm trước, vừa để bà con thấy làm theo vừa bảo vệ môi trường”.

Để bảo đảm tính bền vững, lâu dài, năm 2020, huyện Krông Nô đã lựa chọn 2 mô hình ở xã Đắk Drô để xây dựng đó là “Tuổi trẻ Đắk Drô lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” và “Ea Sanô điểm sáng vùng quê”. Trước khi triển khai, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã khảo sát, tìm hiểu thực tế, đánh giá tính khả thi cũng như lấy ý kiến người dân.

Hướng đến tính bền vững, lâu dài

Cô giáo Huỳnh Thị Thùy Dung và ông Phạm Ngọc Ánh chỉ là 2 trong số rất nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác được các cấp, ngành, địa phương khen thưởng. Điều đáng nói, các mô hình, điển hình trong học và làm theo Bác không chỉ làm một lần là xong mà đều được kế thừa, duy trì và nhân rộng, mang tính bền vững.

Như đối với trường hợp cô giáo Dung, hiện nay, không chỉ mở rộng việc giúp đỡ mà cô còn lan tỏa tinh thần tiếp sức cho các em học sinh vùng khó tiếp tục đến trường đến các địa bàn khác. Từ việc làm của cô Dung, đến nay, hầu hết các trường học trên địa bàn huyện đều xây dựng những chương trình giúp đỡ học sinh nghèo với những cách làm khác nhau như hỗ trợ quần áo, chăn mền, đồ dùng học tập, tặng quà…

Người dân thôn Ea Sa Nô, xã Đắk Drô đóng góp kinh phí để lắp điện chiếu sáng tại con đường trung tâm

Hay từ việc đổi mới, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm của Bí thư Đảng ủy xã Nam Đà Phạm Ngọc Ánh, các cơ quan, đơn vị cũng đã từng bước học tập để triển khai xây dựng nông thôn mới thành công, xây dựng chính quyền vì dân, nhất là phát huy được vai trò của người dân trong phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay, hầu hết các xã đều phát huy hiệu quả hệ thống loa truyền thanh cơ sở và tích cực đăng tải các tin, bài về người tốt việc tốt để người dân học tập.

Hay từ việc quyên góp quần áo cũ tặng phụ nữ nghèo của thị trấn Đắk Mâm, đến nay, các cấp hội phụ nữ toàn huyện đã phát triển thành mô hình "ai dư thì cho, ai cần thì đến nhận" được đông đảo chị em hưởng ứng. Cán bộ, hội viên, phụ nữ mỗi khi có quần áo cũ, không mặc nữa thì đều giặt sạch sẽ, phân loại để gom góp cho chị em nghèo. Bà Lê Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện tâm sự: “Cũ người thì mới ta, có thể nhiều người không sử dụng nhưng với những người nghèo khó có được bộ quần áo tươm tất để mặc là một điều rất vui”.

Ông Phạm Ngọc Thụy, Trưởng thôn Ea Sanô, xã Đắk Drô cho biết: “Khi được chọn để làm mô hình, chúng tôi đều họp dân để xem có đồng tình hay không rồi cùng nhau lựa chọn cách triển khai. Và sau khi xem xét thực tế, chúng tôi thống nhất xây dựng thôn "sáng, xanh, sạch đẹp" trước. Trong đó, về tiêu chí "sáng", bà con đã đóng góp tiền để lắp điện chiếu sáng ở hai bên con đường chính và mùa mưa này sẽ bắt đầu trồng hoa, tạo cảnh quan môi trường và mỗi người dân đều đăng ký để xe thu gom rác thải, không vứt rác lung tung”.

Anh Tạ Văn Đán là một trong 2 thanh niên được Đoàn xã Đắk Drô chọn để phát triển mô hình nuôi bồ câu nhờ tinh thần ham học hỏi, năng động, chịu khó trong phát triển kinh tế

Còn theo anh Phạm Ngọc Thiệu, Bí thư Đoàn xã Đắk Drô, khi được chọn làm mô hình, anh đã nhanh chóng trao đổi ý kiến với đoàn viên và lựa chọn những đoàn viên tâm huyết, có chí hướng quyết tâm lập thân, lập nghiệp để triển khai mô hình nuôi bồ câu và nuôi gà.

Anh Thiệu cho biết: “Tôi nghĩ rằng, khi có "bệ đỡ" thì thanh niên sẽ làm tốt và mang lại hiệu quả. Chúng tôi cũng yêu cầu hai đoàn viên này, sau khi kết thúc mô hình thì tiếp tục phát triển và sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trẻ khác có nhu cầu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học Bác để đổi thay cách nghĩ, cách làm (kỳ 3): Xây dựng những điển hình mang tính bền vững, lâu dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO