Gần dân, sát dân để chăm lo cho dân tốt hơn (kỳ 3): Kho gạo tình thương ở Quảng Tín

Hoàng Hoài| 26/03/2020 09:36

Từ việc gần dân, sát dân, cấp ủy, chính quyền xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) hiểu được, trong cuộc sống không ai biết trước được điều gì sẽ xảy đến với mình, khó khăn, hoạn nạn cũng đột nhiên xuất hiện. Những lúc như vậy, sự sẻ chia, hỗ trợ miếng cơm, manh áo một cách kịp thời là điều vô cùng trân quý và kho dự trữ gạo của xã cũng ra đời từ đó.

Hạn chế nhận tiền ủng hộ

Kho gạo dự trữ của xã Quảng Tín được ra đời từ cách đây hơn 10 năm. Hàng năm ngoài việc hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp phát quà để ăn tết thì xã nhận thấy, những ngày còn lại trong năm vẫn còn nhiều hộ khó khăn đột xuất cần được giúp đỡ, hỗ trợ gạo khẩn cấp. Trên cơ sở đó, Đảng ủy xã có chủ trương và giao UBND xã làm thư ngỏ gửi các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn, gia đình khá giả để vận động hỗ trợ gạo và một số vật dụng trong gia đình vào kho dự trữ này. Ban đầu, việc huy động đóng góp cho kho gạo gặp nhiều khó khăn, nhưng khi hiểu được ý nghĩa, các doanh nghiệp, người dân rất đồng tình, ủng hộ.

Nhiều năm qua, kho gạo dự trữ của xã Quảng Tín đã kịp thời hỗ trợ cho các gia đình nghèo, khó khăn, đột xuất

Theo ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tín, qua nhiều lần gặp gỡ, vận động đóng góp cho các hoạt động giúp đỡ người nghèo, xã nhận thấy, khi vận động đóng góp bằng tiền mặt thì có người hiểu, người không, người lo lắng suy nghĩ không biết tiền thu về có đến được với bà con hay không. Qua lần đầu vận động bằng gạo, xã nhận thấy các hộ kinh doanh, người dân phấn khởi hơn, hỗ trợ nhiệt tình, thoải mái. Vì vậy, nhiều năm qua, trong công tác làm thư ngỏ, UBND xã hạn chế vấn đề nhận tiền. Mặc dù tiền đóng góp cũng dùng mua gạo, lương thực để cấp cho người nghèo, nhưng nhận gạo, lương thực sẽ có ý nghĩa hơn bởi nó bảo đảm tính công khai, minh bạch và người cho cũng đồng thuận hơn.

Bà Phạm Thị Tài ở thôn 2 là một trong những hộ kinh doanh buôn bán đã đóng góp gạo để hỗ trợ người nghèo nhiều năm qua. Theo bà Tài chia sẻ, nếu huy động về tiền thì bà không đồng ý, nhưng huy động gạo hoặc thực phẩm, mắm, muối bột ngọt, đường… cho những hộ nghèo thì sẵn sàng ngay. Bởi theo suy nghĩ của bà, những vật phẩm này trực tiếp đến được với người dân hơn và niềm tin của bà đối với chính quyền địa phương cũng bền chặt.

Bà Tài cho biết: “Việc hỗ trợ gạo cho kho dự trữ của xã tôi xem là việc làm thường xuyên, trở thành thông lệ. Mỗi dịp tết đến xuân về, nếu xã chưa kêu gọi, tôi cũng sẵn sàng chở gạo lên UBND xã. Thậm chí, chưa thấy ai đến liên hệ, tôi điện thoại trực tiếp lên UBND xã để hỏi. Tôi cũng thường xuyên động viên những đại lý, hộ kinh doanh buôn bán, gia đình khá giả cùng chung tay, góp sức, người ít, người nhiều ủng hộ cho những người nghèo để nó có tình người ấm áp”.

Hàng năm, xã đều công khai các khoản đóng góp của người dân từ gạo, mắm muối, mì tôm, vật dụng gia đình, ai ủng hộ bao nhiêu, như thế nào để mọi người rõ. Cũng nhờ có sự chung tay của người dân, kho dự trữ lúc nào cũng có 2-3 tấn gạo, và các loại lương thực, thực phẩm khác để cấp phát cho bà con lúc khó khăn, hoạn nạn.

Lương thực, thực phẩm dự trữ luôn được xã sắp xếp, bảo quản cẩn thận để cấp phát cho người dân

Làm bằng trách nhiệm, sự trân trọng

Trước đây, kho gạo được đặt trong phòng tiếp dân, nhưng khi nhà văn hóa xã được xây dựng, xã đã dành 1 phòng riêng để chứa gạo và lương thực, thực phẩm, bảo đảm luôn khô ráo, sạch sẽ. Lực lượng dân quân, bộ phận văn phòng được giao sắp xếp, bảo quản gạo, lương thực, thực phẩm.

Ông Hải cho biết thêm: “Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các cửa hàng tạp hóa, chúng tôi đều ký gửi gạo ở đó, đến khi cần thiết, đột xuất, xã mới điện thoại, liên hệ để chở lên, tránh trường hợp cất giữ lâu quá gạo mốc, cấp phát cho bà con không được bảo đảm. Gạo này là của toàn xã hội chung tay hỗ trợ bà con nghèo, nên trách nhiệm của xã là phải bảo quản cẩn thận để gạo đến tay bà con phải dùng được”.

Hàng tuần, các cá nhân được giao quản lý gạo đều kiểm tra, lật các bao gạo lại để tránh tình trạng bị hư hỏng, ẩm mốc. Trước khi cấp gạo cho bà con, xã đều tiến hành kiểm tra lại một lần nữa. Còn các thực phẩm khác như dầu ăn, mắm muối, mì tôm thì thường xuyên theo dõi hạn sử dụng, không để tình trạng hết hạn và phải bỏ.

“Chính quyền xã luôn tâm niệm “một nắm khi đói, bằng một gói khi no”, nhưng khi đã cho thì cũng phải thể hiện được trách nhiệm, sự trân trọng để người dân thấy được tấm lòng của người cho, chứ không phải làm cho xong, qua loa, đại khái”, ông Hải tâm sự.

Người dân trực tiếp bình xét

Không chỉ gần dân, nghe dân góp ý về việc đóng góp kho gạo, xã còn tiến hành bình xét hộ được hỗ trợ gạo một cách công khai. Việc bình xét dựa trên số hộ nghèo qua bình xét từ cấp thôn.

Ông Y Đoan, Trưởng bon Ol Bu Tung cho biết: “Khi xã thông báo, chúng tôi sẽ tổ chức họp bon, mời hết bà con tới nhà văn hóa cộng đồng để bình xét những hộ nghèo, hộ khó khăn, người già neo đơn, cao tuổi để hưởng trợ cấp gạo từ xã. Chúng tôi bình xét công khai nên bà con rất đồng ý, không có thắc mắc gì cả”.

Cũng theo ông Y Đoan, với những trường hợp là người cao tuổi, không có khả năng lao động, sống một mình thì năm nào cũng được ưu tiên để hỗ trợ gạo. Các hộ khó khăn, đột xuất như nhà bị cháy hay tai nạn, mất mát thì gia đình làm đơn, trình bày hoàn cảnh, địa phương xác nhận. Trên cơ sở đó, xã xem xét, giải quyết hỗ trợ, tránh trường hợp không đúng đối tượng, làm suy giảm niềm tin của người dân, các nhà hảo tâm đối với chính quyền.

Có thể nói, việc hỗ trợ gạo cho người nghèo đã được nhiều cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện từ nhiều năm như xây dựng và duy trì “Hũ gạo tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương”. Tuy nhiên, việc huy động đóng góp kho dự trữ gạo của xã Quảng Tín lại mang một ý nghĩa khác. Đó là tránh được tình trạng "no dồn, đói dập", giúp dân mọi lúc, kịp thời.

Phải khẳng định, cách làm của các đơn vị về hỗ trợ bò, xây dựng nhà Nghĩa tình đồng đội, hình thành kho dự trữ gạo cho thấy, khi các cấp, ngành, địa phương biết lắng nghe dân, gần dân, sát dân thì hoạt động nào cũng đều được dân đồng thuận, ủng hộ và thành công. Những cách làm đó đã thể hiện sự sinh động trong suy nghĩ và hành động của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là muốn đất nước phát triển thì phải biết chăm lo và phát huy sức mạnh của Nhân dân, bởi "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần dân, sát dân để chăm lo cho dân tốt hơn (kỳ 3): Kho gạo tình thương ở Quảng Tín
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO