Gần dân, sát dân để chăm lo cho dân tốt hơn (kỳ 2): Những căn nhà ấm tình đồng đội

Hoàng Hoài| 25/03/2020 09:18

Từ những chuyến đi cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiểu được ngoài nhu cầu hỗ trợ phát triển kinh tế, nhiều CCB lại có nhu cầu về nhà ở để ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp. Vì vậy, ngoài việc huy động các nguồn lực bên ngoài, các cấp hội đã huy động nội lực hội viên cùng hỗ trợ đóng góp dựng xây những ngôi nhà đồng đội.

Trực tiếp xuống cơ sở

Sau khi trực tiếp dự sinh hoạt tại các cơ sở hội, được gặp gỡ hội viên, Hội CCB huyện Đắk Song mới hiểu được, hội viên có nhu cầu nhà ở để thoát nghèo vẫn còn khá nhiều, trong khi đó nguồn lực lại có hạn. Từ những trăn trở đó, Hội đã nảy ra sáng kiến huy động nội lực hội viên để giúp nhau làm nhà.

Ngày bàn giao nhà Nghĩa tình đồng đội cho ông Trương Doãn Thí ở xã Đắk Môl có đông đủ cán bộ hội, chính quyền địa phương chung vui

Theo ông Nguyễn Đình Liên, Chủ tịch Hội CCB huyện Đắk Song, để làm được căn nhà không hề đơn giản bởi liên quan đến nhiều yếu tố như nguồn lực huy động ra sao, đối tượng nào làm trước để bảo đảm khách quan, công tâm, công bằng. Vì vậy, Hội CCB huyện giao cho hội cơ sở lấy ý kiến của tất cả hội viên trên tinh thần cùng bàn bạc, trao đổi và thực hiện. Ban đầu, việc vận động đóng góp không hề dễ dàng, bởi hội viên có cả ngàn người, có người này người kia, không phải nói một lần mà được. Thế nên, ở những nơi hội viên chưa hiểu, ngoài việc phối hợp với chính quyền, cán bộ hội còn trực tiếp xuống cơ sở để lắng nghe tâm tư, ý kiến và giải đáp thắc mắc cho hội viên về mục đích, ý nghĩa, hình thức đóng góp, đối tượng làm nhà…

Với cách làm này, Hội CCB huyện Đắk Song đã nhận được sự đồng ý của 100% hội viên, từ đó, xây dựng quy trình triển khai rất bài bản từ dưới lên trên, khi xét lại từ trên xuống dưới. Theo thống nhất, ngoài tiền đóng lên trên, hàng năm, mỗi hội viên đóng thêm 50.000 đồng; cán bộ hội từ 300.000 - 1 triệu đồng. Từ số tiền này, mỗi năm, Hội hỗ trợ làm từ 2-3 căn nhà cho hội viên nghèo.

Ông Trương Doãn Thí ở thôn Hà Nam Ninh, xã Đắk Môl (Đắk Song) là một trong những hội viên nghèo được hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà trong năm 2019. Ông Thí có hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng ngoài 70 tuổi lại bệnh tật, đau ốm thường xuyên. Mấy chục năm qua, hai vợ chồng ông chỉ ở trong căn nhà gỗ đã xập xệ.
Ông Thí cho biết: “Khi ở nhà cũ, tôi ngày đêm cứ lo canh cánh sợ nó sập lúc nào không biết vì nhiều chỗ đã bị mối, mọt. Trong khi đó, mình bệnh tật già yếu rồi, nhà sập thì chạy không kịp”. Nỗi lo nhà sập của ông Thí cũng không phải là thừa, vì khi vào nhà mới chưa được một ngày thì căn nhà cũ đã bị sập.

Hội CCB huyện Đắk Song trao quyết định bàn giao nhà Nghĩa tình đồng đội cho ông Trương Doãn Thí ở xã Đắk Môl

Theo ông Nguyễn Duy Hoàn, Chủ tịch Hội CCB xã Đắk Môl, trước khi triển khai làm nhà Nghĩa tình đồng đội cho ông Thí, cán bộ hội mà trực tiếp bản thân ông đã thường xuyên xuống gia đình thăm hỏi, giám sát, nếu có phát sinh thì sẽ có hướng giúp đỡ.

Hội viên đóng góp, bình xét hỗ trợ

Hội CCB huyện Đắk R’lấp cũng huy động mỗi hội viên đóng góp thêm 20.000 đồng/năm để làm Nhà nghĩa tình đồng đội. Theo ông Võ Quốc Tứ, Chủ tịch Hội CCB huyện, vấn đề bình xét đối với các hộ được thụ hưởng nhà Nghĩa tình đồng đội, Hội khảo sát rất tỉ mỉ từng trường hợp, rồi họp rà soát một lần nữa để xây dựng nhà cho hội viên đúng mục đích, yêu cầu đề ra. Hàng năm, Hội đều công khai, minh bạch các khoản đóng góp, đối tượng được thụ hưởng, thanh quyết toán cuối năm rõ ràng. Bên cạnh đó, việc làm nhà cũng được lấy ý kiến hội viên từ cách làm, huy động đóng góp, bình xét hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Vang, Chủ tịch Hội CCB xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) cho biết: “Sau khi có kế hoạch của cấp trên, Hội CCB xã đã triển khai cho các chi hội họp hội viên lại, khi nào mọi người thống nhất hoàn toàn thì mới tiến hành đi thu. Việc làm nhà như thế này đã giúp nhiều CCB hiểu được sự đoàn kết, tinh thần đồng chí, đồng đội để nỗ lực vươn lên”.

Để có những căn nhà Nghĩa tình đồng đội là kết quả của những chuyến đi cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng từ hội viên của Hội CCB huyện Đắk Song

Ông Vũ Đình Dẫu ở thôn 6, xã Đắk Wer là một trong những hội viên đã được hỗ trợ làm nhà Nghĩa tình đồng đội. Ông Dẫu từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, sau khi hòa bình lập lại, gia đình ông vào Đắk Wer lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Bây giờ, tuổi cao, vợ bệnh tim mãn tính, nên chưa bao giờ ông nghĩ đến chuyện làm nhà.

Ông Dẫu cho biết: “Tôi may mắn được Hội CCB huyện hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà ở. Chưa kể, nhiều hội viên còn giúp đỡ về vật chất, ngày công. Sau khi các con thấy tập thể giúp đỡ thì cũng xúm vào mỗi đứa một ít giúp cho bố mẹ làm nhà cho xong. Nói thật, nếu không được hỗ trợ thì tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện làm nhà đâu”.

Phát huy tinh thần đoàn kết, yêu thương

Trên thực tế, việc làm nhà Nghĩa tình đồng đội đã được Hội CCB tỉnh xây dựng và ban hành nghị quyết từ năm 2007. Thời điểm này, Hội thống nhất, mỗi hội viên đóng góp 10.000 đồng/năm. Vài năm trở lại đây, khi giá cả vật liệu xây dựng, nhân công tăng, cộng với số hội viên nghèo có nhu cầu làm nhà ở cũng khá nhiều, nên cán bộ, hội viên thống nhất tăng lên 20.000 đồng/người/năm.

Sau hàng chục năm, bà Hồ Thị Huệ ở thôn 7, xã Kiến Thành (Đắk R'lấp) đã được ở trong căn nhà ấm tình đồng đội

Theo ông Chu Văn Sùng, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, mặc dù quy định đóng góp chung là vậy, nhưng những hội viên từng tham gia kháng chiến chống Pháp hoặc hội viên nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì được miễn đóng góp. Còn cán bộ hội hay hội viên khá giả thì phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” thường đóng góp nhiều hơn quy định. Chỉ tính riêng năm 2019, toàn hội huy động được gần 300 triệu đồng hỗ trợ làm 5 căn nhà cho hội viên nghèo.

Ông Sùng cho biết: “Hàng năm, chúng tôi đều có địa chỉ hội viên được làm nhà ở và công khai bằng cách đăng tải trên cuốn thông tin của Hội CCB tỉnh. Mỗi năm, Hội thu được bao nhiêu và xây dựng được bao nhiêu căn nhà, xây cho những ai đều có địa chỉ rõ ràng, cụ thể nên hội viên rất đồng tình. Với tinh thần người già, người bệnh ưu tiên làm trước, nên nhiều năm nay chưa có trường hợp hội viên kiến nghị, hay không đồng tình với cách làm này. Đặc biệt, điều mà chúng tôi nhận thấy qua nhiều năm làm nhà này, đó là tình đồng chí, đồng đội, sự đoàn kết, yêu thương của những người lính khi trở về với đời thường ấm áp, nhân văn”.

Qua thực tế cho thấy, với cách làm chặt chẽ từ bình xét đối tượng, giám sát thường xuyên cho đến khi xây dựng hoàn thành trên cơ sở phát huy dân chủ, lắng nghe dân, những căn nhà Nghĩa tình đồng đội do hội viên CCB đóng góp xây dựng không chỉ kiên cố, chắc chắn mà còn ấm áp tình đồng chí, đồng đội giữa đời thường.

>>Kỳ 3: Kho gạo tình thương ở Quảng Tín

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần dân, sát dân để chăm lo cho dân tốt hơn (kỳ 2): Những căn nhà ấm tình đồng đội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO