Đoàn kết, thống nhất trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng hiện nay

Trần Văn Hoạt| 15/05/2020 10:06

Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Đại đoàn kết trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người rất coi trọng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, chỉ rõ đoàn kết trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng Đảng, là quy luật vận động và phát triển của Đảng, là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết toàn dân, là nền tảng cho mọi thành công.

Hồ Chí Minh chỉ ra: Sửa cái xã hội cũ mấy ngàn năm làm xã hội mới, ấy là rất khó. Nhưng biết cách làm, biết đồng tâm hiệp lực mà làm thì chắc chắn làm được, thế thì không khó. Cách mạng muốn thành công “trước hết phải có Đảng cách mệnh”, “cách mạng là việc chung của cả dân chúng chứ không phải của riêng một hai người”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa sống còn lâu dài, quyết định thành bại của cách mạng; đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc kết hợp chặt chẽ với đoàn kết quốc tế, tạo ra sức mạnh to lớn dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người đã chỉ rõ: “Mỗi chi bộ của đảng phải là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội nghị Trung ương lần thứ 16 (tháng 4/1959). Ảnh tư liệu

Hồ Chí Minh đã nhiều lần bàn về đoàn kết trong Đảng và chỉ ra đoàn kết trong Đảng có nghĩa là trong Đảng không có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”; Đảng tuy nhiều người nhưng khi tiến hành đánh chỉ như một người; trong Đảng không có tình trạng kèn cựa địa vị, nói xấu lẫn nhau… Trước lúc đi xa, Người để lại di chúc và căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” đã trở thành cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để làm tròn sứ mệnh đội tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân, hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng phải là khối thống nhất ý chí và hành động. Người chỉ rõ: “Đoàn kết thật sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thật sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân”. Đảng phải nghiêm khắc kiểm điểm, xem xét lại tất cả các mối quan hệ của Đảng, không được che giấu những khuyết điểm; cán bộ, đảng viên phải thật thà tự kiểm điểm, ai có khuyết điểm phải thật thà, cố gắng tự sửa chữa cho xứng đáng là người đại biểu của dân tộc, xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của Nhân dân, làm gương cho quần chúng noi theo.

Người khẳng định: “Một đảng mà che giấu khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Để tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng hiện nay, các tổ chức cơ sở đảng cần phải quán triệt sâu sắc, đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn hoạt động ở cơ sở, kịp thời ngăn chặn và khắc phục nhận thức lệch lạc về chủ trương, đường lối, loại trừ âm mưu chống đối, chia rẽ trong hàng ngũ Đảng; thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, chăm lo củng cố tình đồng chí trong Đảng, chống chủ nghĩa cá nhân, đặc biệt là thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Các tổ chức cơ sở đảng bố trí đúng người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể; xây dựng và thực hiện đúng quy chế làm việc; phát hiện sớm và tập trung xử lý dứt điểm vi phạm, tình trạng gây mất đoàn kết; tích cực phòng, chống sự tấn công phá hoại khối đại đoàn kết thống nhất trong Đảng của các thế lực thù địch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng là biện pháp quan trọng để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, phát hiện và giải quyết những mâu thuẫn trong Đảng. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi phải có tính Đảng, tính nguyên tắc, tính mục đích, cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ; để làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; để đoàn kết và thống nhất nội bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải coi đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng cần thiết như cơm ăn, nước uống và không khí thở hàng ngày không được lơ là chểnh mảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng không nể nang, không thêm bớt; chống thói nể nang, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện lợi dụng dân chủ, lợi dụng tự phê bình gây chia rẽ mất đoàn kết nội bộ. Đối với những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận thấy để sửa cho đúng, không vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét.

Mỗi đảng viên và từng tổ chức cơ sở đảng cần quán triệt sâu sắc, đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở cơ sở, góp phần thực hiện có hiệu quả chuyên đề năm 2020 về “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn kết, thống nhất trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO