Đem “con chữ”, tình yêu thương đến với học sinh

Bài, ảnh: Hoàng Hoài| 05/12/2018 09:43

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Người thầy giáo không chỉ dạy chữ mà còn dạy người”, nhiều giáo viên trẻ trong tỉnh không những thường xuyên trau dồi trình độ chuyên môn mà còn cả về đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong và cái tâm trong sáng để xứng đáng với danh hiệu “Người kỹ sư tâm hồn”.

Những bữa cơm chứa đựng sự yêu thương, sẻ chia

Nhiều năm gắn bó với Trường THCS Quảng Hòa, xã Quảng Hòa (Đắk Glong), thầy giáo Nguyễn Quang Trung luôn canh cánh nỗi lo làm sao để các em học sinh bán trú, trọ học nơi đây có bữa ăn bảo đảm no, đủ chất dinh dưỡng. Do hoàn cảnh khó khăn, để đến trường học “con chữ”, hàng trăm em học sinh phải thức dậy từ 4-5 giờ sáng và nhiều em phải trọ học xa nhà. Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng các em phải tự lo việc học rồi cuộc sống cho mình. Bữa ăn của các em vì vậy cũng chỉ cơm trắng chan với nước mắm hoặc sang hơn thì thêm canh mì gói mà thôi.

Thầy giáo Nguyễn Quang Trung (ngồi giữa) và cô giáo Hồ Thị Hương chia sẻ những kinh nghiệm hay trong hoạt động vì đàn em thân yêu

Chứng kiến bữa ăn của các em, rồi nghĩ đến bữa ăn của con mình, nhiều lần thầy Trung không cầm được nước mắt. Để giúp các em có được bữa ăn đầy đủ, thầy đã thông qua mạng xã hội, bạn bè và người thân kêu gọi các nhà hảo tâm người ít, người nhiều cùng chung tay giúp đỡ. Khi đã có kinh phí, thầy Trung lại tiếp tục đi vận động các hộ dân cho mượn bếp để nấu rồi kêu gọi các thầy, cô giáo không có tiết dạy hỗ trợ làm đầu bếp. Cứ như vậy, mỗi tuần 130 em trọ học xa nhà của Trường THCS Quảng Hòa và Trường tiểu học Bế Văn Đàn đã có được một bữa ăn có đủ cơm, canh, món mặn và xào.

Thầy Trung chia sẻ: “Mỗi tuần dù chỉ có một bữa cơm đầy đủ, nhưng đó cũng là sự nỗ lực rất lớn. Những bữa cơm ấy không nằm ở giá trị bao nhiêu mà chứa đựng trong đó sự yêu thương, sẻ chia, tấm lòng của thầy cô và cộng đồng dành cho các em. Chúng tôi thực sự rất vui khi mới đây, một công ty tại TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ bếp ăn mỗi tháng 4,5 triệu đồng để tăng mỗi tuần 2 bữa cơm cho các em. Đây chính là nguồn cổ vũ lớn lao để chúng tôi tiếp tục vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ các em có thêm những bữa cơm ấm lòng”.

Được biết, thầy Trung còn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các em kiến thức bảo vệ mình, hướng đến lối sống an toàn, lành mạnh. Bởi lẽ, các em ở trọ và nam, nữ lại ở chung phòng. Trong khi đó, các em từ lớp 6 đến lớp 9 đang trong giai đoạn thay đổi tâm lý, nếu không được giáo dục giới tính, hướng dẫn kỹ năng sống thiết yếu thì sẽ dẫn đến tình trạng tảo hôn và cả hôn nhân cận huyết thống.

Vui mừng khi vận động được các em đến trường

8 năm làm giáo viên kiêm Tổng phụ trách đội Trường tiểu học Kim Đồng, xã Đắk Ngo (Tuy Đức), cô giáo Hồ Thị Hương không nhớ rõ mình đã vận động bao nhiêu học sinh đến trường. Đắk Ngo là địa bàn khó khăn với chủ yếu là đồng bào dân tộc phía Bắc vào sinh sống. Đời sống khó khăn, trường học xa nhà, nên nhiều em không được đến trường. Vì vậy, những thầy, cô giáo trẻ như Hương ngày làm công tác giảng dạy, đêm đến đi vận động trẻ đến trường là chuyện... thường ngày.

Thế nhưng, để vận động được phụ huynh cho con đến trường, cô Hương thường phối hợp với những người uy tín trong các thôn, bản và những chỉ huy đội là dân tộc thiểu số ở trong trường đến từng nhà để phiên dịch, thuyết phục. Sau đó, cô Hương thường xuyên gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh mỗi em để có sự giúp đỡ phù hợp, nhất là tạo hứng thú cho các em trong học tập, tránh tình trạng chán nản, dẫn tới bỏ học. Cô cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động như thi tìm hiểu tiếng Việt, văn hóa, thể thao dân gian để tạo niềm vui, giữ chân các em đến trường.

Cô Hồ Thị Hương (bên phải) được tuyên dương vì có nhiều thành tích trong vận động trẻ đến trường

Cô Hương cho biết: “Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn không thể nào quên được ngày đầu tiên về Đắk Ngo nhận công tác. Lúc ấy, tôi đã nghĩ mình không thể nào trụ nổi ở nơi đây bởi nhiều yếu tố như không người thân, không biết tiếng Mông, rồi địa bàn cách trở… Mỗi khi vận động được một em đến trường là tôi vui mừng khôn xiết. Khi đã làm quen rồi thì ngôi trường, các em ở đây lại trở thành mái nhà, người thân của tôi và giữ chân tôi ở lại. Cũng vì vậy, mỗi ngày, tôi đều nhắc nhở bản thân, dù khó khăn cũng phải cố gắng, nỗ lực vì đàn em thân yêu, giúp các em hướng về tương lai tươi sáng”.

Góp thêm sự động viên, cổ vũ

Theo anh Nguyễn Văn Hợi, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, công tác dạy học ở những nơi vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh quả thật còn nhiều gian nan. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, các thầy, cô giáo vẫn đang ngày ngày cống hiến tuổi xuân để đem “con chữ”, tình yêu thương đến với học sinh. Chương trình tuyên dương cũng chỉ mong góp thêm sự động viên, cổ vũ các thầy, cô giáo trẻ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người" và "truyền lửa” cho các em học sinh về tinh thần học tập, ý chí khám phá kiến thức.

Thầy giáo Nguyễn Quang Trung và cô giáo Hồ Thị Hương là 2 trong số 30 giáo viên trẻ tiêu biểu vừa được Tỉnh đoàn và Sở Giáo dục - Đào tạo tuyên dương mới đây. Các thầy cô giáo là những người trẻ có nhiều thành tích trong mọi hoạt động, luôn nỗ lực rèn luyện, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, góp phần không nhỏ trong công tác giảng dạy, hỗ trợ học sinh vươn lên trong học tập, cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đem “con chữ”, tình yêu thương đến với học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO