“Chị cả của người nghèo”

Hoàng Hoài| 19/07/2018 09:44

Đó là cái tên thân thương mà những người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đặt cho chị Nguyễn Thị Hằng ở bon Dru, thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô). Bởi hễ ai có việc gì nguy cấp đều tìm đến chị như “phao cứu sinh” và biết ai khó khăn cần hỗ trợ, chị đều tận tình đi đến từng hộ, lúc thì bao gạo, lúc thì ít tiền…

Hai lần đứng bên ranh giới sự sống và cái chết

Đến thị trấn Đắk Mâm, hỏi chuyện về “chị cả” của người nghèo, không ai không khỏi xót xa và khâm phục bản lĩnh, tinh thần “thép” của chị. Bởi cuộc đời chị đã trải qua 2 lần biến cố mà đến tận bây giờ vẫn còn ám ảnh không dứt.

Chị H'Chê (ngoài cùng bên trái) vươn lên làm giàu từ sự giúp đỡ hết lòng của chị Nguyễn Thị Hằng (thứ hai từ phải qua)

Đó là vào năm 2001, trong lúc đi mua cà phê, vợ chồng chị gặp phải cướp, chồng bị giết chết, còn chị may mắn thoát chết. Chứng kiến cái chết của chồng, chị như mất phương hướng, chìm trong sợ hãi và đau khổ. Nhiều tháng liền, chị luôn bị ám ảnh và nghĩ rằng mình không thể nào đứng dậy được. Thế rồi, nhờ sự động viên của mọi người, chị từng bước gượng đứng dậy để tiếp tục công việc và nuôi dạy con cái.

Vài năm sau đó, nhiều người cũng khuyên chị đi thêm bước nữa để có chỗ dựa tinh thần, chia sẻ buồn vui nhưng chị quyết tâm không đi tiếp mà chỉ chuyên tâm làm lụng, nuôi dạy con cái. Vậy mà 10 năm sau, bi kịch lại một lần nữa ập đến với chị, khi đang ở nhà thì trộm lại vào cướp tài sản rồi đâm hai mẹ con. Lần này, chị bị đâm vào phổi, con trai thì bị đâm vào tim. Tỉnh lại trong bệnh viện, chị không hình dung nổi những gì đã xảy ra bởi nó quá nhanh. Cả năm đó, chị như người mất hồn, cuộc sống hai mẹ con gắn liền với những lần đi viện để chữa chạy vết thương.

Ám ảnh của biến cố lần thứ hai này là một cú sốc tâm lý đối với chị, đến nỗi, ở bệnh viện, chị xin bác sĩ cho làm quét dọn, miễn sao không phải quay lại nhà của mình. Thương cho hoàn cảnh của chị, các bác sĩ thường xuyên động viên, giúp chị vượt qua tâm lý sợ hãi, cộng thêm nguồn an ủi từ gia đình, bạn bè, hàng xóm, chị mới đủ dũng cảm quay về nhà của mình. Một thời gian sau đó, vì con, chị lại nén nước mắt vào trong, tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế để tạo dựng cuộc sống mới.

Chị Hằng tâm sự: “Thời điểm đó, tôi luôn cố gắng làm nhiều để không phải suy nghĩ về những chuyện đã xảy ra, tìm niềm vui trong công việc và cuộc sống. Tôi luôn tự nhủ, mình đã hai lần phải đứng bên ranh giới giữa sự sống và cái chết, nhưng may mắn sống sót thì bản thân phải sống tốt hơn, mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn và nhân ái hơn”.

Đứng dậy sau những biến cố

Vào thị trấn Đắk Mâm từ năm 1995, kinh tế khó khăn, nên chị vừa làm rẫy, làm thuê rồi bươn chải nhiều nghề khác để kiếm sống. Sau này, chị tập tành làm quen với nghề mua bán cà phê nhỏ, lẻ. Sau hai lần biến cố, chị quyết định chuyên tâm vào nghề thu mua cà phê. Từ một điểm thu mua nhỏ, dần dần, chị vừa làm vừa tích lũy vốn, kết hợp giữa thu mua cà phê với bán phân bón để mở rộng kinh doanh. Với bản tính hiền lành, chịu khó và nhất là uy tín trong kinh doanh, đại lý của chị luôn đông khách, trong đó phần lớn khách quen là những người nghèo, dân tộc thiểu số.

Khi kinh tế khấm khá, chị mua thêm 11ha cao su để phát triển sản xuất và tìm chốn lui tới những lúc mệt mỏi. Điều đáng trân quý, dù trải qua bao sóng gió, nhưng chị vẫn luôn hướng về phía trước. Công việc buôn bán, trồng trọt vất vả, nhưng chị vẫn không một tiếng kêu than hay trách móc.

Chị Hằng chia sẻ: “Tôi thì học ít lắm, mới chỉ hết lớp 2 thôi, nhưng trong quá trình làm việc luôn cầu thị, học hỏi để làm tốt các công việc. Với người khác có thể tối họ nghỉ, nhưng tôi thì vẫn tiếp tục làm và từ đó rèn cho  bản thân sự nhanh nhạy, bây giờ tính toán sổ sách chỉ trong thời gian ngắn”.

Cũng theo chị Hằng, sự mạnh dạn, chủ động học hỏi chính là cách để chị trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và hơn trên hết đó là nền móng để tham gia các hoạt động nhân đạo.

Chị Nguyễn Thị Hằng (bên trái) thường xuyên động viên chị H'Nem cố gắng khắc phục khó khăn, tìm kiếm công việc phù hợp để nuôi sống gia đình

Sẵn sàng sẻ chia, trách nhiệm với người nghèo

Khác với nhiều người, chị Hằng làm việc từ thiện khá âm thầm. Những ai trong lúc khó khăn nguy cấp tìm đến, chị đều sẵn sàng giúp đỡ mà không mong nhận lại. Tên gọi “Chị cả của người nghèo” cũng từ đó mà ra.

Khi được hỏi về việc giúp đỡ người nghèo, chị thẳng thắn nói, lúc trước, khi kinh tế còn khó, chị chỉ hỗ trợ bà con lâu lâu bao gạo, suất quà. Nhưng sau này, chị nghĩ lại, những món vật chất này chỉ mang tính tạm thời, căn bản là phải trao cho bà con “cần câu”, kế sinh nhai để không ỷ lại. Và trong hàng trăm người đã giúp, chị rất cảm phục và tin tưởng vào chị H'Chê-một người trẻ của bon D'ru.

Dẫn chúng tôi đến nhà chị H'Chê, chị Hằng vừa đi vừa nói về sự nỗ lực vươn lên của đôi vợ chồng dân tộc thiểu số này. Chị kể, ngày xưa gia đình H'Chê khó khăn lắm, chỉ có 4 sào rẫy trồng cà phê, vậy mà mua phải phân bón kém chất lượng nên thu không bù nổi chi. Một lần, đến đại lý mua phân bón, chị thấy khuôn mặt H'Chê linh hoạt, thông minh, nên lân la hỏi chuyện, rồi chị thương và cho nợ phân bón đến mùa trả. Sau một thời gian, thấy vợ chồng H'Chê thật thà, chịu khó, nhất là luôn cố gắng vươn lên thoát nghèo, nên chị từng bước giúp đỡ và dìu dắt trong làm ăn. Từ việc hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, H'Chê còn được chị cho đi ngoài tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… để học hỏi, mở mang đầu óc và tích lũy kinh nghiệm.

Sau này, chị chủ động nói với H'Chê thấy ai bán rẫy thì mua thêm để mở rộng diện tích, chị cho mượn vốn đến khi thu hoạch mới trả. Cứ như vậy, đến nay, H'Chê đã mở rộng được 6 ha cà phê, có máy xay lúa, biết mua lúa về để xay bán. Chị H'Chê cho biết: “Chị Hằng chính là người đã giúp tôi có được ngày nay. Tôi cũng thực hiện lời hứa với chị luôn sẵn sàng giúp hộ khó khăn hơn. Như với bà con nghèo, tôi tặng quà, hỗ trợ kinh nghiệm làm ăn, bán phân bón, gạo không tính lãi. Hộ khá hơn tôi lấy lãi suất thấp bằng lãi xóa đói giảm nghèo”.

Hay như chị H'Nem ở bon Dru, nhiều năm sống trong căn nhà mượn tạm, hết sức khó khăn. Khi biết hoàn cảnh, chị Hằng thường xuyên chở gạo vào cho, rồi lúc cho cái này lúc cái khác. Khi chị H'Nem có mảnh đất do UBND thị trấn cấp, chị Hằng lại cho xe chở vật liệu vào để xây, đắp nền nhà lên cao, rồi lắp cho cái tivi để xem.

Theo chị Hằng, chị giúp người nghèo bằng sự yêu thương, cho đi không mong nhận lại, khi mình kiếm được 10 đồng thì tiêu 6 hay 7 đồng thôi còn dành một phần làm từ thiện, nếu không đủ, chị vận động thêm họ hàng, bạn bè cùng chung tay góp sức. Mỗi lần tặng quà hay giúp ai, chị cũng đều ngồi lại nói chuyện động viên, khuyên họ cố gắng phát huy nội lực, không trông chờ ỷ lại vào người khác.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Khai, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Đắk Mâm, trong những năm qua, chị Hằng đã trở thành điểm tựa cho nhiều người nghèo trong vùng. Hàng năm, chị đều tặng quà, gạo, lắp tivi, hỗ trợ sửa chữa nhà ở, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ phân bón… cho hộ nghèo, nhất là các đối tượng neo đơn, khuyết tật, không nơi nương tựa. Chị Hằng thực sự là tấm gương về người phụ nữ giàu nghị lực, bản lĩnh và nhân hậu để các chị em khác noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chị cả của người nghèo”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO