Bà Hợi hết lòng với người nghèo

Đức Hùng| 20/01/2016 09:57

Gần 20 năm làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bon Dru, thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) thì cũng bằng ngần ấy thời gian, bà Nguyễn Thị Hợi (năm nay 64 tuổi) âm thầm lặng lẽ đi quyên góp quần áo cũ cho người nghèo.

Bà Nguyễn Thị Hợi với công việc thầm lặng quyên góp quần áo cũ để giúp hộ nghèo

Năm 1997, khi mới vào Krông Nô lập nghiệp, cuộc sống ban đầu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với bản tính thương người, bà luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho mọi người xung quanh. Năm 2000, bà được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bon Dru và đảm nhận công việc đó cho tới nay.

Trong căn nhà mái ngói đơn sơ, bà Hợi dành hẳn một gian để làm kho chứa các loại quần áo, mũ, cặp sách cũ. Quần áo cũ xin về, bà dành hàng giờ tỉ mẩn may lại những chiếc sút chỉ, đơm lại cúc, thay lại khóa kéo. Sau khi kiểm tra, phân loại quần áo cũ, bà bỏ vào từng túi nilông, cẩn thận ghi tên chủ hộ cần giúp vào tờ giấy bỏ lên phía trên, rồi nhờ chồng mang đến tận nhà trao cho người nghèo.

Bà Hợi chia sẻ: “Trước đây xin được bao nhiêu quần áo, thì liên hệ chị em ra nhà cộng đồng lấy. Nhưng sau này thấy phát sinh những điều tế nhị nên bây giờ tôi chia ra và đưa đến tận gia đình. Tùy theo từng gia đình để chọn kích cỡ, quần áo phù hợp với người lớn, trẻ em, con trai, con gái”.

Gần gũi với hội viên, với người dân trong bon, bà Hợi không chỉ biết tên mà còn nắm được cả hoàn cảnh. Những hộ khó khăn, hộ nghèo cần sự giúp đỡ thì đến vóc dáng của từng thành viên trong gia đình bà cũng biết để chọn quần áo cho.

Dáng người nhỏ nhắn, nước da rám nắng, chạy chiếc xe đạp cà tàng, chân chất và hài hước, đó là những gì chúng tôi ấn tượng trong lần đầu tiên gặp bà Hợi. Không biết đi xe máy, nhưng hễ có ai gọi điện thoại cho quần áo cũ bất kỳ lúc nào, dù xa hay gần bà cũng đạp xe đến chất lên xe, đẩy về.

Bà kể lại câu chuyện khiến bà gắn bó với việc đi xin quần áo cũ cho người nghèo. Cũng thật tình cờ, một hôm bà đi làm về và bắt gặp hình ảnh một số bà con, những đứa trẻ trong bon đi lên nương, lên rẫy chân trần, không mũ nón, quần áo rách bươm khiến bà không cầm lòng được “thấy người ta khổ như mình khổ”.

Thế là, bà về nhà gom những quần áo trong gia đình không mặc nữa nhưng còn dùng được, mang ra ngõ vào mỗi buổi chiều để cho người đi làm về. Hết quần áo của người thân, người quen, bà lân la đi đến những hộ khác trong thị trấn, trong huyện, gặp ai bà cũng mở lời: “Em xem nhà có quần áo cũ của các cháu không mặc nữa cho chị xin một ít”.

Lúc đầu bà luôn nhận được câu hỏi ngược lại: Nhà bà còn ai đi học đâu mà xin quần áo học sinh. Lúc ấy, bà mới tâm sự: “Tôi thấy mấy cháu dân tộc thiểu số trong bon thiếu quần áo sạch mặc đi học, nhiều người đi làm không có mũ đội, không có quần áo để mặc, nên xin để tặng họ”. Thế là ai cho gì bà nhận nấy, về phân loại, giặt sạch xếp gọn bỏ vào trong bao để đi phát cho từng nhà.

Công việc thầm lặng của bà ngày càng giúp đỡ được nhiều người, nên cũng có nhiều người biết đến. Có người nghèo thì đến xin quần áo, có người thì mang quần áo đến đồng hành làm từ thiện cùng bà. Có hôm trong lúc trời mưa, có người ở thị trấn Đắk Mâm gom được bao quần áo cũ gọi điện cho bà đến nhà lấy. Nhận được điện thoại, bà tranh thủ thời gian mưa không làm gì, đạp xe đi chở quần áo về giặt, phơi, phân loại chuẩn bị mang đến nhà trao tận tay người dân.

Tính ra, hàng năm bà Hợi quyên góp và trao khoảng 400-500 bộ quần áo cũ cho người nghèo. Với những người cao tuổi trong bon, bà còn dành tặng mỗi cụ một chiếc áo ấm cũ trong dịp tổng kết năm.   

Trong công tác hội, học tập và làm theo Bác Hồ về thực hành tiết kiệm, bà còn vận động chị em tham gia mô hình “hũ gạo tiết kiệm”, kịp thời hỗ trợ các gia đình hội viên gặp khó khăn, hoạn nạn đột xuất. Để có thể giúp đỡ chị em tự tin, vươn lên ổn định cuộc sống, bà còn vận động hội viên tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào “Nuôi heo đất”, “Giúp nhau phát triển kinh tế”... Năm 2015, bà Hợi được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tặng Bằng khen là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua giai đoạn 2010 -2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Hợi hết lòng với người nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO