Tìm hướng đi cho các cụm công nghiệp

Ngọc Dũng| 22/12/2017 10:15

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 5 cụm công nghiệp (CN) với tổng diện tích sử dụng trên 196 ha. Mặc dù được ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng và dành quỹ đất tương đối lớn để hoạt động, nhưng hầu hết các cụm CN hiện nay đều chưa phát huy được hiệu quả hoạt động. Đây cũng là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đề cập tại kỳ họp thứ 5, HĐND khóa III vừa qua.

Cụm CN Quảng Tâm (Tuy Đức) dù triển khai từ lâu nhưng hiện nay vẫn còn dở dang

Các cụm CN vẫn “ngủ yên”

Theo Sở Công thương, trong 5 cụm CN, hiện có 2 cụm CN đã được đầu tư hạ tầng. Cụ thể, cụm CN Thuận An (Đắk Mil) 52,2 ha đã xây dựng hạ tầng giai đoạn 1, với kinh phí khoảng 33 tỷ đồng, thu hút được một số nhà đầu tư, chiếm khoảng 21,3% diện tích. Cụm CN BMC xã Đắk Ha (Đắk Glong) 37,41 ha đã xây dựng cơ bản hoàn thiện nhưng hiện tại vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư nào.

Các cụm CN khác: Cụm CN Quảng Tâm (Tuy Đức) 35 ha, cụm CN Krông Nô (Krông Nô) 25 ha và cụm CN Đắk Song ở xã Thuận Hà (Đắk Song) trên 47 ha đều mới chỉ dừng lại ở bước quy hoạch chi tiết. Điều đáng nói, tại các cụm CN Đắk Song và Quảng Tâm chưa thu hút được nhà đầu tư, lại còn bị dân lấn chiếm làm nhà ở và trồng cây lâu năm.

Tại các phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, hầu hết các khu công nghiệp hiện nay vẫn “ngủ yên”. Ông Vũ Tá Long, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: “Các cụm CN hiện nay dù được đầu tư rất nhiều kinh phí và quỹ đất nhưng hầu hết đều chưa thấy được hiệu quả hoạt động. Điển hình, cụm CN tại xã Đắk Ha mấy năm nay chỉ là nơi các hộ dân đưa bò vào chăn thả”.

Ông Phan Quốc Lập, Phó Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh lại làm một bài toán: “Trong 5 cụm CN chỉ có cụm CN Thuận An hoạt động nhưng hiệu quả chưa cao. Với 5 cụm CN chiếm gần 200 ha và trong nhiều năm không hoạt động, nên hiệu quả sử dụng đất rất thấp. Trong khi đó, cứ 1 ha đất ít ra người dân cũng thu nhập được 50 - 100 triệu đồng. Như vậy, tính ra trên 200 ha sẽ sinh lời hàng năm như thế nào, để tính toán lại hiệu quả hoạt động”.

Chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư

Theo Sở Công thương, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp nói riêng chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quy mô vốn nhỏ nên không có khả năng mở rộng lĩnh vực đầu tư mới. Từ thực tế đó, việc thu hút doanh nghiệp trong tỉnh đứng ra đầu tư xây dựng hạ tầng và kinh doanh đất rất khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân vì sao trong thời gian qua, các cụm CN chủ yếu thu hút các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh vào đầu tư.

Trong khi đó, khi mua đất bên ngoài để đầu tư dự án, chi phí sẽ thấp hơn. Đất lại thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp nên có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng. Một thực tế nữa là quỹ đất của tỉnh còn tương đối nhiều nên hầu hết các nhà đầu tư đều muốn và dễ dàng mua đất bên ngoài để thực hiện dự án. Mặt khác, do tỉnh có quá ít nhà đầu tư nên cố gắng thu hút cho bằng được dự án, từ đó chấp nhận cho đầu tư ra bên ngoài cụm CN.

Đối với các dự án đầu tư trong cụm CN so với các dự án đầu tư bên ngoài thì hiện nay vẫn chưa có chính sách ưu đãi hơn. Do vậy, các doanh nghiệp hầu như mua đất bên ngoài để thực hiện dự án. Điển hình như cụm CN BMC, mặc dù có một số nhà đầu tư liên hệ thuê đất nhưng giá thuê cao, với khoảng 9000 đồng/m2/ năm. Mặt khác, tỷ lệ tiền đặt cọc, thời gian thu hồi toàn bộ tiền thuê đất trong 15 năm chưa hợp lý nên các nhà đầu tư hầu như không mặn mà.

Đề xuất cơ chế, chính sách mới

Rõ ràng, trong khi người dân thiếu đất sản xuất, các cụm CN lại bỏ không là rất lãng phí. Vì vậy, việc đánh giá lại hiệu quả hoạt động và hiệu quả sử dụng đất để có giải pháp khắc phục, tìm hướng đi phù hợp cho các cụm CN trên địa bàn là điều hết sức cần thiết.

Theo Sở Công thương, đơn vị đang phối hợp với các ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn đối với các dự án đầu tư trong cụm CN so với các dự án đầu tư bên ngoài. Qua chính sách, cơ chế mới để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất tại cụm CN, bảo đảm xử lý về môi trường và thuận tiện cho công tác quản lý.

Trong đó, đối với cụm CN BMC ở xã Đắk Ha, chủ đầu tư cần tính toán lại phương án về giá cho thuê đất để phù hợp với tình hình thực tế. Đối với cụm CN Thuận An, đơn vị nghiên cứu ưu tiên nguồn vốn để tiếp tục đầu tư, hoàn chỉnh hạ tầng, đáp ứng nhu cầu thuê đất của các nhà đầu tư.

Đối với cụm CN Quảng Tâm, cụm CN Đắk Song sẽ đánh giá lại toàn diện và đề xuất phương án xử lý. Nếu các cụm CN không còn phù hợp để hoạt động sẽ tiến hành đưa ra khỏi quy hoạch. Riêng đối với cụm CN Krông Nô, địa phương sớm hoàn thiện công tác giải tỏa mặt bằng để giao nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hướng đi cho các cụm công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO