Thực hiện Nghị quyết số 41 của HĐND tỉnh: Góp phần nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số

Nguyễn Hiền| 15/09/2014 11:01

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài các chế độ, chính sách khác của Nhà nước, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 41/2012/NQ-HĐND, ngày 20/12/2012 về thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số từ năm học 2012 - 2013 đến 2015 - 2016”.

Từ khi thực hiện Đề án, nhiều đơn vị trường học có đông học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) đã có thêm cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục.  

Nhờ hưởng lợi từ Đề án, Trường tiểu học Vừ A Dính (Đắk Som) có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS

Theo đó, với các chính sách được đề ra trong nghị quyết, cùng với việc được hỗ trợ kinh phí học tập, các đơn vị trường học có đông học sinh DTTS đã có điều kiện để tổ chức tăng cường tiếng Việt cho học sinh bậc tiểu học và phụ đạo cho học sinh yếu, kém ở các bậc học.

Chỉ tính riêng trong năm học 2013 - 2014, các trường học đã được cấp trên 11 tỷ đồng để thực hiện các nội dung của Đề án. Cụ thể, có 8.210 học sinh DTTS được hỗ trợ kinh phí học tập, trên 6.800 học sinh được tăng cường tiếng Việt và trên 1.800 học sinh có học lực yếu, kém được phụ đạo. Đối với giáo viên, toàn tỉnh đã có 693 người được bồi dưỡng tiếng M’nông và tiếng Êđê.

Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm luôn giảm, trong đó, bậc tiểu học giảm chỉ còn 0,61%, bậc THCS giảm xuống còn 0,69%. Tỷ lệ học sinh yếu môn tiếng Việt ở nhiều trường học đã giảm rõ rệt qua từng năm. Riêng năm học 2013 - 2014, tỷ lệ học sinh DTTS yếu tiếng Việt đã giảm từ 17,6% xuống còn 12,6%.

Điển hình như Trường tiểu học Vừ A Dính ở xã Đắk Som (Đắk Glong), theo ông Vũ Tiến Tiệp, Hiệu trưởng nhà trường thì hầu hết các em khi vào lớp 1 không được học qua mẫu giáo nên trước đây, ở khối lớp 1 năm nào cũng có khoảng trên 50% học sinh là không biết tiếng phổ thông.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục, cùng với việc tăng cường tiếng Việt vào các tiết học bình thường cho tất cả các em ở khối lớp 1, lớp 2, nhà trường còn tổ chức phụ đạo tiếng Việt cho học sinh yếu kém ở khối lớp 3, 4, 5 vào ngày thứ 7 hàng tuần. Qua một thời gian triển khai, tỷ lệ học sinh yếu kém đã giảm rõ rệt; nhiều em từ chỗ không biết, không hiểu thì đã nói và viết thành thạo tiếng Việt.

Tương tự, Trường tiểu học Hà Huy Tập ở xã Tâm Thắng (Chư Jút), với đặc điểm có trên 80% học sinh DTTS Êđê, sau khi có Nghị quyết 41 cũng đã tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh. Hàng năm, giáo viên nhà trường còn được cử đi đào tạo, nâng cao tiếng Êđê, nên hạn chế được tình trạng bất đồng ngôn ngữ giữa giáo viên và học sinh, nhất là ở khối lớp 1. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng hàng năm và luôn chiếm trên 50%; tỷ lệ học sinh yếu giảm xuống còn 4% và không có học sinh có học lực kém.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của HĐND tỉnh thì bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc thực hiện đề án cũng còn một số hạn chế cần khắc phục.

Cụ thể như công tác tuyên truyền chưa sâu rộng và kịp thời nên việc triển khai thực hiện chính sách còn chậm, chưa đồng bộ; việc thực hiện các chế độ theo nghị quyết ở các trường phổ thông dân tộc nội trú vẫn còn xảy ra một số sai sót, tài chính chưa rõ ràng, thiếu công khai minh bạch; việc hỗ trợ tiền tết, tàu xe không chi theo thực tế mà chi theo bình quân học sinh của trường; hệ thống cơ sở vật chất về trường lớp, bếp ăn tập thể, ký túc xá của học sinh ở nhiều trường bị xuống cấp nhưng chậm sửa chữa.

Đây là những vấn đề mà ngành giáo dục, chính quyền các địa phương cần phải sớm khắc phục để việc thực hiện Nghị quyết 41 của HĐND tỉnh ngày càng có hiệu quả, đi vào thực chất hơn, không những góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS mà còn đảm bảo an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Nghị quyết số 41 của HĐND tỉnh: Góp phần nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO