Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc M’nông": Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng

Nguyễn Hiền| 21/04/2014 10:32

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc bản địa, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐND ngày 6/5/2010 về việc triển khai Đề án “Bảo tồn phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc M’nông, giai đoạn 2010 – 2015”. Qua bốn năm triển khai thực hiện, Đề án đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Theo đó, toàn tỉnh đã được đầu tư trên 6,5 tỷ đồng để thực hiện các nội dung của đề án. Cùng với việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thì công tác truyền dạy và bảo tồn di sản văn hóa truyền thống được chú trọng thực hiện thường xuyên.

Một buổi sinh hoạt của các nghệ nhân ở bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo (Tuy Đức)

Tính đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 9 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng nâng cao tại các huyện, thị xã cho 214 nghệ nhân làm công tác truyền dạy. Thông qua các lớp tập huấn, các nghệ nhân thành thạo hơn về cách tấu chiêng, chỉnh chiêng, kỹ năng sáng tác bài chiêng mới, cách truyền dạy nhanh và hiệu quả cho các đội chiêng trẻ kế cận.

Việc mở các lớp phổ cập đánh cồng chiêng cho học sinh dân tộc nội trú cũng được chú trọng, giúp các em có thể đánh được các bài chiêng cơ bản. Ngoài ra, ngành Văn hóa còn tổ chức nhiều lớp truyền dạy về hát dân ca, chế tác và sử dụng nhạc cụ, đan lát, làm cây nêu; tập huấn về công tác bảo tồn nghi lễ, lễ hội truyền thống cho già làng, trưởng bon và các nghệ nhân tiêu biểu...

Đồng bào còn được trang bị trang phục, các nhạc cụ truyền thống để luyện tập, sinh hoạt và đi biểu diễn. Việc tổ chức các lễ hội nhằm khôi phục và giáo dục ý thức giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc cũng được thực hiện thường xuyên.

Thông qua việc tổ chức các ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc, các địa phương đã tái hiện được nhiều lễ hội truyền thống cũng như khôi phục lại một số môn thi như: dệt thổ cẩm, đan lát, diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ, làm cây nêu truyền thống và các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân gian, ẩm thực dân tộc…

Các lễ hội truyền thống cũng thường xuyên được tổ chức như: Lễ cưới của người M’nông, Lễ rước Kơ pan, cúng mừng sức khỏe, mừng lúa mới, phát rẫy, sum họp, mừng công... Tỉnh còn xây dựng được hai bon văn hóa điển hình gồm bon Pi Nao ở xã Nhân Đạo (Đắk R'lấp) và bon N’J riêng ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) với các hoạt động như tái hiện lại hát dân ca, dân vũ, tấu chiêng, tái hiện các nghi lễ truyền thống, trình diễn thời trang truyền thống... Qua đó, các bon đã biết cách xây dựng và tổ chức biểu diễn một chương trình văn nghệ dân gian đảm bảo tính nghệ thuật, đúng bản sắc, phản ánh được giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc bản địa.  

Riêng về công tác bảo tồn di sản cũng được đặc biệt quan tâm bằng các hình thức như: xây dựng, biên tập và xuất bản sách ảnh giới thiệu các gương mặt nghệ nhân tiêu biểu của tỉnh; nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng được các bộ tư liệu về truyền dạy cồng chiêng và di sản cồng chiêng của 3 dân tộc M’nông, Mạ và Ê đê; làm các băng đĩa giới thiệu về âm nhạc dân gian của 3 dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê bằng tiếng dân tộc...

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì có thể nói, từ việc thực hiện đề án đã từng bước nâng cao được ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, nhất là dân tộc M’nông.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đề án vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: cán bộ làm công tác văn hóa ở một số địa phương còn thiếu kinh nghiệm, còn yếu về mặt chuyên môn nên  làm ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, giám sát lớp học; việc nắm bắt và tổ chức một số lễ hội chưa đúng với phong tục, tập quán; một số địa phương chưa chủ động trong tổ chức thực hiện khôi phục, bảo tồn, phát huy lễ hội và còn ỷ lại vào Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc M’nông": Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO