Qua khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh: Tiềm năng du lịch chưa được phát huy, khai thác có hiệu quả

Nguyễn Hiền| 07/04/2014 13:55

Với điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, tỉnh ta có rất nhiều lợi thế để phát triển ngành Du lịch; vì vậy, trong giai đoạn 2006 - 2014, HĐND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết số 11/2006/NQ-HĐND ngày 3/8/2006 và Nghị quyết số 09/2012/NQ-HĐND ngày 31/5/2012 về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng ban hành các kế hoạch phát triển du lịch, các chính sách khuyến khích đầu tư du lịch hàng năm và từng giai đoạn cũng như thành lập tổ “một cửa” để giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến du lịch và đầu tư du lịch.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng như điện, nước, đường giao thông… tại nhiều điểm du lịch. Tuy nhiên, qua đợt khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho thấy, mặc dù tỉnh có nhiều lợi thế phát triển du lịch, nhưng trong thực tế khi đưa vào khai thác, sử dụng lại gặp nhiều vấn đề bất cập.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát tại Khu du lịch sinh thái Liêng Nung (Gia Nghĩa)

Điển hình như điểm du lịch sinh thái số 1 thác Đắk G’lun (Tuy Đức) có chủ trương đầu tư với tổng vốn 14,2 tỷ đồng. Hiện Công ty TNHH xây dựng thương mại du lịch Phúc Lâm Thành (chủ đầu tư) đã và đang tiến hành xây dựng các hạng mục như nhà nghỉ, khu nuôi thú, tạo hồ trữ nước...

Thế nhưng, do chưa có hệ thống điện nên nhiều hạng mục phải dừng thi công; còn những hạng mục đang dần hoàn thành cũng khó đưa vào sử dụng để phục vụ khách du lịch do thiếu nguồn điện. Ngoài ra, điểm du lịch này còn gặp một số khó khăn như: tình trạng phá rừng làm giảm trữ lượng nguồn nước; mất an ninh trật tự; một số tuyến đường hư hỏng...

Tương tự, một số điểm du lịch được đầu tư xây dựng xong lại bỏ không, gây tốn kém, lãng phí. Cụ thể như năm 2010, tỉnh có chủ trương xây dựng Khu du lịch sinh thái Liêng Nung ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) với việc liên kết các hạng mục như thác Liêng Nung, khu làng nghề truyền thống, đường vành đai…

Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, khi các hạng mục đã hoàn thành lại không thể thực hiện được mục tiêu khai thác, gây lãng phí. Ngoài ra, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên một số điểm du lịch khác đã kêu gọi được đầu tư nhưng lại trong tình trạng xây dựng các hạng mục dang dở.

Qua khảo sát cũng cho thấy, nhiều địa phương chưa thật sự coi trọng việc phát triển các tiềm năng du lịch vốn có của mình nên chưa xây dựng các kế hoạch triển khai hoạt động du lịch từng năm, từng giai đoạn, gây khó khăn trong công tác phối hợp quản lý nhà nước cũng như nắm bắt tình hình đầu tư, phát triển du lịch tại cơ sở để thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, do sản phẩm du lịch còn thiếu, các sản phẩm về tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí mới chỉ được đầu tư bước đầu nên quy mô còn nhỏ lẻ, chưa tạo được ấn tượng và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu cả về số lượng và cả chuyên môn. Hiệu quả kinh doanh thấp nên nhà đầu tư cũng chưa chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ của nhân viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Qua khảo sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh: Tiềm năng du lịch chưa được phát huy, khai thác có hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO