Ngày làm việc thứ nhất kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa III: Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng

Công Tính| 09/07/2019 19:04

Ngày 9/7, trong phiên làm việc đầu tiên, kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa III đã nghe báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh- quốc phòng và thảo luận tại hội trường các báo cáo, dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và UBND tỉnh trình bày.

ADQuảng cáo

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Diễn phát biểu gợi ý chủ đề trong phiên thảo luận

Yêu cầu làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá, phân tích 16 nhóm chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Cụ thể, có 2/16 nhóm chỉ tiêu đạt mức tốt; 7/16 nhóm chỉ tiêu đạt trung bình, khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,03%; trong đó, các lĩnh vực đạt cao như: Công nghiệp, xây dựng 9,19%; dịch vụ tăng 9,17%... Tuy nhiên, một số nhóm chỉ tiêu, lĩnh vực chưa đạt chỉ tiêu, yêu cầu. Đại biểu Phan Quốc Lập, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, nêu: “Hiện nay, vốn hàng năm chuyển nguồn rất lớn, như năm 2018 sang năm 2019 là 1.600 tỷ đồng. Vốn chuyển nguồn lớn sẽ gây thiệt hại lớn trong phát triển kinh tế. Vì vậy, cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, chính quyền các địa phương về thực trạng này”.

Về giải ngân vốn đầu tư, đại biểu Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, tình trạng hấp thụ vốn của tỉnh thấp. Trách nhiệm chính của vấn đề này là của chủ đầu tư. Tỉnh cũng đã chỉ rõ từng chủ đầu tư giải ngân nguồn vốn thấp. Do đó, hoàn toàn có cơ sở để quy trách nhiệm và xử lý các mặt hạn chế, tồn tại.

Biểu đồ tăng trưởng kinh tế tỉnh Đắk Nông 6 tháng đầu năm 2019. Đồ họa: Trung Dũng

Liên quan đến tình trạng vốn chuyển nguồn lớn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Diễn khẳng định: "Giải ngân vốn thấp thì phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Do đó phải đề nghị UBND tỉnh có chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải ngân nguồn vốn đạt thấp".

Phản ánh những vấn đề cử tri quan tâm, ông Phan Quốc Lập nêu thực trạng, công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều yếu kém. Qua cả một nhiệm kỳ, nhưng tỉnh chưa làm rõ được trách nhiệm của lãnh đạo từng địa phương, đơn vị trong việc quản lý, bảo vệ rừng.

Cũng liên đến trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương, đại biểu Y Thái, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết, tình trạng khai thác đá cây ở huyện Tuy Đức diễn ra trong thời gian dài, nhưng chưa được xử lý. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng phải làm rõ vấn đề này.

Cần có thêm chính sách hỗ trợ trong sản xuất

Phiên thảo luận đã nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri, nhân dân trong tỉnh. Cử tri đánh giá cao những chỉ đạo kịp thời của tỉnh trong xử lý vấn đề phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, nhiều cử tri cũng bày tỏ lo lắng trước việc giá cả nông sản xuống thấp; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Vì vậy, cử tri mong muốn tỉnh có thêm các chính sách hỗ trợ trong sản xuất và định hướng tốt việc phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện ở địa phương.

ADQuảng cáo

Đại biểu Nguyễn Tấn Bi, Giám đốc Sở Tài chính thông qua Tờ trình về việc quy định nội dung chi, mức chi thực hiện các cuộc điều tra thống kê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Về chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cử tri đề nghị, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn trong hoạt động cho vay vốn. Theo cử tri, từ ngày 1/3/2019, hộ nghèo, cận nghèo trong cả nước được vay vốn tối đa 100 triệu đồng. Tuy nhiên, cử tri xã Trường Xuân (Đắk Song) phản ánh, thời gian qua hộ nghèo chỉ được vay tối đa 20-30 triệu đồng.

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, cử tri đề nghị tỉnh chỉ đạo, xử lý kịp thời các vụ án tham nhũng; giải quyết dứt điểm những sai phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản; đẩy nhanh tiến độ điều tra đối với một số vụ án đã khởi tố…

Trong phiên làm việc buổi sáng ngày 9/7, các đại biểu đã được nghe UBND tỉnh báo cáo tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc phê duyệt một số chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết đề xuất hỗ trợ 30% (tối đa không quá 10 tỷ đồng) đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ 100% kinh phí mua giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình trình diễn (không quá 300 triệu đồng/mô hình). Dự thảo Nghị quyết còn quy định hỗ trợ chi phí xây dựng liên kết; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; đào tạo, tập huấn kỹ thuật...

Ông Phan Quốc Lập, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương để mất rừng

Đánh giá về Dự thảo Nghị quyết này, ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho rằng, mặc dù lĩnh vực nông, lâm nghiệp đóng vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế của tỉnh, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Đó là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giá cả nông sản biến động, tình trạng sản xuất chạy theo phong trào khá phổ biến. Ngoài ra, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản còn nhiều hạn chế… Do vậy, việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như trong Dự thảo Nghị quyết là cần thiết.

Các đại biểu cũng được nghe dự thảo Nghị quyết về việc ban hành quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh. Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ 100% chi phí tiết kế và chi phí máy thi công khi đầu tư công trình trữ nước tại huyện Cư Jút, Krông Nô và các xã: Đắk Gằn, Đắk Rla, Đắk Lao của huyện Đắk Mil. Đối với các địa phương còn lại hỗ trợ 70%. Về hỗ trợ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước, hỗ trợ 50% (không quá 40 triệu đồng/ha) tại huyện Cư Jút, Krông Nô và các xã: Đắk Gằn, Đắk Rla, Đắk Lao của huyện Đắk Mil. Đối với các địa phương còn lại hỗ trợ 35% (không quá 28 triệu đồng/ha). Dự thảo Nghị quyết còn đề xuất hỗ trợ chi phí san phẳng đồng ruộng, đầu tư xây dựng cống, kiên cố kênh mương…

Cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết, ông Nguyễn Đình Đạo, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, phát biểu: “Hiện nay, tỉnh đã xây dựng và ban hành Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng 2035. Vì vậy, việc xây dựng nghị quyết phát triển thủy lợi và tưới nước tiết kiệm sẽ góp phần đưa tổng diện tích cây trồng được tưới nước chủ động đạt 80% vào năm 2020”.

Cũng liên quan đến đời sống người dân, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị quyết về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020; dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh…

Theo kế hoạch, trong phiên làm việc ngày 10/7/2019, kỳ họp sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày làm việc thứ nhất kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa III: Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO