Hoạt động tiếp xúc cử tri: Nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân

Nguyễn Hiền| 31/05/2017 09:24

Tiếp xúc cử tri là “kênh” thông tin quan trọng để các đại biểu HĐND nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, thời gian qua, việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

ADQuảng cáo

Nói... xong rồi về

Trong thực tế có nhiều cuộc tiếp xúc cử tri ban đầu có rất nhiều người đến dự, thậm chí không đủ ghế ngồi. Thế nhưng, sau khi các cử tri ý kiến xong, đến phần trả lời của đại biểu và đại diện các sở, ban, ngành thì số lượng cử tri dần “ngót” đi trông thấy, chỉ còn một số ít. Ở nhiều địa phương, có những cử tri chuyên tham gia ý kiến và có mặt hầu hết trong các cuộc tiếp xúc cử tri.

Tuy nhiên, hầu hết các cử tri hăng hái phát biểu ý kiến nhưng lại không quan tâm đến phần trả lời của đại biểu và đại diện các sở, ban, ngành, địa phương. Bởi vì, họ cho rằng, việc trả lời ý kiến, kiến nghị của các đại biểu và các sở, ban, ngành, địa phương chỉ mang tính chung chung, không đáp ứng được yêu cầu giải quyết vấn đề đặt ra. Do đó, nhiều cử tri có tư tưởng đến nói... xong rồi về.

Nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa, có ít cử tri tham gia

Việc chuẩn bị cho các buổi tiếp xúc cử tri cũng còn nhiều hạn chế. Tại nhiều địa phương, khi đại biểu HĐND cấp tỉnh và các sở, ban, ngành xuống tiếp xúc cử tri thì đơn vị sở tại hầu như chưa có sự chuẩn bị hoặc chuẩn bị sơ sài về loa đài, chỗ ngồi của đại biểu và cử tri...

Tại Hội nghị giao ban Thường trực HĐND hai cấp tại huyện Đắk R’lấp vừa qua, nhiều đại biểu đã phân tích, nhìn nhận để đưa ra cái nhìn đa chiều về những hạn chế của việc tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri. Theo đại biểu HĐND thị xã Gia Nghĩa, trong các cuộc tiếp xúc cử tri hầu như ít có các ban, ngành đi theo để trực tiếp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trong khi đó, việc làm văn bản gửi lên cũng không phù hợp. Vì vậy, cử tri giảm dần sự mặn mà mỗi khi tổ chức tiếp xúc cử tri.

ADQuảng cáo

Theo Thường trực HĐND huyện Đắk Song, việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp tổ chức khá gần nhau, gây khó khăn về mặt thời gian cho các cơ quan chức năng có liên quan trong việc giải quyết, khắc phục và xử lý các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri. Một số đại biểu còn vắng mặt tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Một số đại biểu khác chưa xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động và chưa tổ chức sinh hoạt định kỳ mỗi quý 1 lần theo quy định.

Thường trực HĐND huyện Đắk Glong cho rằng, đại biểu HĐND huyện chủ yếu tiếp xúc với cử tri nơi đại biểu ứng cử. Thế nhưng, một số đại biểu chưa có sự chuẩn bị những điều kiện cần thiết khi tham gia tiếp xúc cử tri, chưa nghiên cứu kỹ các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cử tri, chưa thu thập nhiều thông tin nên việc đối thoại, trao đổi giữa đại biểu với cử tri trong các cuộc tiếp xúc còn ít, chủ yếu là tiếp thu và chuyển các cơ quan chức năng giải quyết.

Phải khắc phục nhanh những hạn chế

Cũng tại Hội nghị giao ban Thường trực HĐND hai cấp tại huyện Đắk R’lấp, nhiều đại biểu đã đồng tình với việc cần phải phân tích, làm rõ những hạn chế để có những giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri.

Theo đồng chí Lê Kim Huy, UVTV, Trưởng Ban Dân Vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, ngay các bản ý kiến, kiến nghị của HĐND các cấp gửi lên còn vụn vặt. Cử tri gửi cả 100 ý kiến thì gửi hết cả 100 ý kiến, kiến nghị lên thì đó chỉ là tập hợp  chứ không phải là tổng hợp. Vì vậy, quá trình tổng hợp là phải phân loại, phân cấp rõ ràng xem ý kiến, kiến nghị thuộc cấp nào, ngành nào và đã giải quyết như thế nào, giao cho ai giải quyết. Vấn đề nào chưa giải quyết thì giao cho cấp nào, phòng ban nào chịu trách nhiệm theo dõi giải quyết. Vấn đề nào không thuộc thẩm quyền của huyện thì đề xuất cấp tỉnh, trung ương để giải quyết. Mỗi đại biểu cũng cần tăng cường nâng cao trách nhiệm, phải theo dõi đến cùng việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, không được bỏ lửng giữa chừng. Đại biểu phải theo dõi và xem các cơ quan chức năng trả lời như thế nào để giải quyết dứt điểm vấn đề, tránh trường hợp để cử tri ý kiến nhiều lần.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Hoa, UVTVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri vẫn còn nhiều hạn chế, phần nào chưa đáp ứng được ý chí, nguyện vọng và mong đợi của cử tri, nên HĐND các cấp cần phải khắc phục nhanh. Theo đó, địa phương nào có nhiều vấn đề nổi cộm thì ưu tiên bố trí các sở, ngành liên quan để trả lời cử tri. Việc tăng cường tập huấn nâng cao kỹ năng hoạt động cho đại biểu nói chung và phục vụ cho các cuộc tiếp xúc cử tri nói riêng cũng cần được chú trọng thực hiện.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh, đối với các đại biểu HĐND cần phải nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tham gia đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri trên địa bàn. Mỗi đại biểu, nhất là đại biểu cấp xã, phường phải nắm chắc các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để có thể đối thoại, giải đáp các thắc mắc, ý kiến nhằm tạo niềm tin của cử tri. Trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ nói chung và tổ chức tiếp xúc cử tri nói riêng cần thực hiện việc sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm và có những định hướng, giải pháp khắc phục những hạn chế, vướng mắc một cách kịp thời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động tiếp xúc cử tri: Nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO