Hiệu quả từ Nghị quyết về giám sát quản lý, sử dụng các công trình thủy lợi

Công Tính| 02/04/2021 09:15

Để nâng cao hiệu quả trong đầu tư, quản lý, sử dụng các công trình thủy lợi (CTTL) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, năm 2018, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết giám sát các hoạt động này. Qua hơn 3 năm triển khai nghị quyết, toàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực thủy lợi.

Ngày 2/8/2018, HĐND tỉnh Đắk Nông ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng các CTTL, giai đoạn 2011-2017 trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết đề ra mục tiêu hoàn thiện hệ thống kênh mương cấp 2,3 để nâng cao hiệu quả tưới nước công trình thủy lợi Đắk Rồ (Krông Nô) giai đoạn 2, với tổng kinh phí 60 tỷ đồng. (Ảnh: Một góc công trình thủy lợi Đắk Rồ)

Nghị quyết đề ra mục tiêu nâng cấp, sửa chữa 30 CTTL; tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đơn vị được giao trong quản lý, khai thác, bảo vệ, vận hành, sửa chữa CTTL; xem xét, chỉ đạo bàn giao CTTL của các xã, công ty lâm nghiệp về cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý…

Nâng cao hiệu quả các CTTL

Theo ông Lê Viết Thuận, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện nghị quyết, toàn tỉnh đã có 20 CTTL được nâng cấp sửa chữa, với tổng nguồn vốn hơn 80 tỷ đồng. Đơn vị cũng đã tiếp nhận 51 CTTL do các xã và các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao để quản lý khai thác.

“Việc giao cho đơn vị chuyên ngành quản lý, khai thác các CTTL trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng của chính các công trình này. Bởi vì, qua một thời gian dài, nhiều CTTL được giao cho các đơn vị, địa phương quản lý, do không có nhân lực chuyên môn để vận hành cũng như bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa… nên xuống cấp nghiêm trọng”, ông Thuận phân tích thêm.

Cũng theo ông Thuận, ngoài đầu tư, qua quá trình thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh đã đẩy mạnh được công tác xử lý lấn chiếm, vi phạm CTTL. Ông Lê Viết Thuận cho biết: “Qua triển khai nghị quyết giữa Công ty và chính quyền các địa phương ngày càng có sự phối hợp tốt hơn trong công tác xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ CTTL.

Khi phát hiện hành vi vi phạm phạm vi bảo vệ CTTL, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương nhắc nhở, vận động đối tượng tháo dỡ, di dời vật kiến trúc, cây trồng và hoàn trả lại hiện trạng ban đầu. Các bên có liên quan cũng đã lập biên bản đối tượng vi phạm, kiến nghị xử phạt theo quy định”.

Một góc công trình thủy lợi Đắk Sắk (Đắk Mil)

Tính đến đầu năm 2020, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh và các địa phương đã phát hiện 688 trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ tại 136 CTTL. Hình thức vi phạm chủ yếu là bảo vệ an toàn công trình, xả nước thải vào công trình; vi phạm về vận hành, cản trở dòng chảy CTTL. Với nỗ lực của đơn vị quản lý cũng như các địa phương đến nay đã xử lý được 193/688 trường hợp vi phạm, đạt 28%.

Quản lý, khai thác 251 công trình thủy lợi

Công ty đang quản lý, khai thác 251 công trình thủy lợi, gồm: 209 hồ chứa, 25 đập dâng, 8 hệ thống trạm bơm, 7 hệ thống kênh tiêu, 2 công trình thủy lợi khác.

Ngoài ra, Công ty đang quản lý 226 km kênh tưới, 27 km kênh tiêu.

Nghị quyết bám sát thực tiễn

Là người luôn theo sát nghị quyết từ những ngày đầu, ông Nguyễn Đình Đạo, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cho biết, đây là một trong những nghị quyết có kết quả thực hiện đạt cao nhất trong nhiệm kỳ 2016-2021 của HĐND tỉnh.

Ông Nguyễn Đình Đạo cho biết thêm, sở dĩ việc triển khai thực hiện nghị quyết đạt kết quả cao phải kể đến công tác xây dựng nghị quyết bám sát với thực tiễn. Trước khi ban hành nghị quyết, HĐND tỉnh đã tổ chức đoàn giám sát, qua đó đánh giá rất chặt chẽ những mặt được cũng như hạn chế trong việc chấp hành pháp luật đối với lĩnh vưc quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng các CTTL. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai nghị quyết, tỉnh cũng đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư, nên đã tạo hiệu quả rõ rệt…

Còn theo ông Lê Viết Thuận, về phía đơn vị, trong quá trình thực hiện nghị quyết luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của HĐND tỉnh, UBND tỉnh cũng như các ngành, địa phương. Ngoài Nghị quyết số 11 thì các văn bản liên quan cũng được ban hành kịp thời đã đẩy nhanh tiến độ trong triển khai thực hiện.

Bên cạnh những mặt đạt được, ông Lê Viết Thuận cho rằng, tỉnh cần ưu tiên bố trí thêm nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp những CTTL bị hư hỏng, xuống cấp mà đơn vị mới nhận bàn giao quản lý từ các địa phương và công ty nông, lâm nghiệp. Công tác xử lý, giải quyết hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn CTTL cũng cần được các địa phương đẩy mạnh thực hiện hơn nữa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ Nghị quyết về giám sát quản lý, sử dụng các công trình thủy lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO