Giám sát việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị sau giám sát: Theo đuổi đến cùng các kiến nghị, kết luận

Tường Mạnh| 25/04/2015 14:34

Giám sát của HĐND là hoạt động theo dõi, xem xét, đánh giá của cơ quan dân cử đối với việc thực thi pháp luật, nghị quyết, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Trong đó, điều quan trọng nhất là hiệu quả của nó phải được bảo đảm bằng việc thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của các đối tượng chịu giám sát.

Xác định yêu cầu trên, thời gian qua, cùng với giám sát chuyên đề thì Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các cuộc giám sát việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị sau giám sát.

Cụ thể như từ giữa tháng 3 đến nay, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đang tổ chức đợt giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh và các ý kiến, kiến nghị sau giám sát của Ban từ đầu nhiệm kỳ đến nay tại các địa phương và một số sở, ban ngành trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Qua thực tế cho thấy, mặc dù còn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định, nhưng nhiều ý kiến, kiến nghị đưa ra trong các cuộc giám sát trước đây của Ban đã được các đối tượng chịu sự giám sát cố gắng khắc phục, thực hiện đạt hiệu quả.

Theo ông Vương Thái Lư, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thì yếu tố đầu tiên để các ý kiến, kiến nghị sau giám sát được thực hiện nghiêm túc là việc tổ chức giám sát phải đảm bảo khách quan, trung thực và khoa học. Các kiến nghị đưa ra phải chuẩn xác, đúng pháp luật, nội dung cụ thể, đúng phạm vi trách nhiệm của đối tượng thực hiện, phải làm cho đối tượng chịu giám sát “tâm phục, khẩu phục”.

Khi đưa ra kiến nghị thì phải nói sao cho cơ sở nghe được, nói câu gì, vấn đề gì phải có chứng cứ xác thực rõ ràng, phải căn cứ vào các văn bản pháp lý và cả thông tin từ phía người dân. Quá trình giám sát cần thực hiện nguyên tắc công khai, dân chủ, công tâm, vô tư, khen chê rõ ràng, đánh giá đúng những gì cơ quan, đơn vị chịu giám sát làm tốt, chỉ ra được những hạn chế và phê phán đúng mức những yếu kém.

Hoạt động giám sát và kiến nghị sau giám sát phải được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và dư luận xã hội. Kiến nghị đúng sẽ tạo ra được sức ép xã hội đối với đối tượng phải thực hiện kiến nghị, nhất là những vấn đề nóng, bức xúc đang diễn ra ở cơ sở.

Qua tìm hiểu được biết, sau khi tổ chức giám sát, Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh cũng thường tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Để làm được việc này, việc tổ chức theo dõi, tổng hợp các nội dung đã kết luận, các kiến nghị sau giám sát được quan tâm.

Đối với những kiến nghị chưa được thực hiện, có những vấn đề, HĐND tỉnh có văn bản nhắc nhở hoặc tổ chức tái giám sát. HĐND tỉnh cũng thường theo đuổi đến cùng các kiến nghị, kết luận giám sát của mình, không làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”.

Vì vậy, đối với một số kết luận, kiến nghị đòi hỏi phải có biện pháp khắc phục ngay thì có ý kiến yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện khẩn trương. Những kiến nghị giám sát đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực hoặc nhiều cơ quan cùng thực hiện thì cũng tạo điều kiện để cơ sở có thể thực hiện hiệu quả.

Bởi vì, mục đích cuối cùng của việc tổ chức giám sát và thực hiện các kiến nghị sau giám sát là góp phần để các nghị quyết của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị sau giám sát: Theo đuổi đến cùng các kiến nghị, kết luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO