Hoàn thiện thể chế kinh tế để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Tường Mạnh| 16/07/2014 09:55

Điều 52, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường; thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.

Đại hội X của Đảng đã xác định: Phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả sự vận hành các loại thị trường cơ bản theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh. Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả các loại thị trường đóng một vai trò quan trọng, góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta thành công.

Người dân đến mua hàng tại siêu thị Hoàng Hảo (Gia Nghĩa). Ảnh: Thanh Nga

Do vậy, quá trình đa dạng hóa sở hữu, phát triển nền kinh tế với nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh, khơi dậy và giải phóng tối đa lực lượng sản suất đang được tiếp tục đẩy mạnh.

Với việc Nhà nước tôn trọng các quy luật thị trường, mỗi cá nhân được tạo điều kiện để phát huy cao nhất sức sáng tạo và tự do tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tự do cạnh tranh, tự do trao đổi trong khuôn khổ của luật pháp và dựa trên tín hiệu của thị trường, sự điều tiết của thị trường.

Trong phát triển kinh tế, hiện nay, Đảng ta có chủ trương là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở cửa hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác.

Đây là quan điểm đúng đắn, phù hợp với lợi ích dân tộc và xu hướng phát triển của thế giới. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, việc đổi mới tư duy trong xây dựng các thể chế, chính sách kinh tế được thực hiện theo hướng: một mặt phải bảo đảm được lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, mặt khác phải  bảo đảm tính mềm dẻo, thích ứng với xu hướng phát triển của thời đại.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, vừa phải theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa và lại vừa có tính chọn lọc cao để có thể tranh thủ tốt cơ hội do hội nhập mang lại, đồng thời giảm bớt những rủi ro từ hội nhập.

Bên cạnh đó, các lợi thế so sánh của đất nước trong phân công lao động và hợp tác quốc tế đang được tiếp tục phát huy để tạo ra những đột phá mới về kinh tế. Cùng với việc đưa ra các chính sách thu hút mạnh mẽ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực bên ngoài để phát triển sản xuất, thì sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế được phát huy, kết hợp có hiệu quả nội lực và ngoại lực để tăng tốc phát triển kinh tế. Những ngành, những khu vực, những mặt hàng mũi nhọn được chọn để làm khâu đột phá.

Nước ta cũng đang tranh thủ những điều kiện thuận lợi do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại để tập trung thu hút đầu tư, xây dựng một nền kinh tế hiện đại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việc thu hút đầu tư được ưu tiên cho các lĩnh vực, các ngành có trình độ khoa học công nghệ cao, nhất là những dịch vụ chất lượng cao nhằm tạo những điều kiện cần thiết cho việc xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, đồng thời đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, sức cạnh tranh của các quốc gia đều do chất lượng nguồn nhân lực quyết định. Vì vậy, việc đẩy mạnh giáo dục - đào tạo, phát triển văn hóa để nâng cao dân trí, làm thay đổi chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề hết sức cần thiết. Do đó, chủ trương của Đảng là tăng trưởng và phát triển kinh tế phải gắn với các chính sách xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, trình độ phát triển của con người.

Việc thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và năng lực quản lý của nhà nước trong kinh tế cũng được xem là vấn đề hết sức cần thiết. Vì vậy, việc quản lý kinh tế của Nhà nước đang hướng vào việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và doanh nghiệp, nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Đặc biệt, Nhà nước thực hiện điều hành kinh tế vĩ mô theo hướng rõ ràng, minh bạch, công khai để cải thiện môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư. Sự can thiệp, điều tiết vĩ mô của Nhà nước vừa  bảo đảm tốt lợi ích quốc gia trên cơ sở phù hợp với nguyên tắc thị trường, vừa tôn trọng tính tất yếu khách quan của các quy luật kinh tế, các định chế kinh tế, thương mại quốc tế.

Có thể nói, vừa thực hiện tốt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa bảo đảm tránh tụt hậu và bảo đảm tính thống nhất nền kinh tế quốc dân cũng như các bước đi vững chắc trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là vấn đề hết sức quan trọng, có tính sống còn đối với đất nước ta trong thời kỳ hội nhập sâu rộng nền kinh tế quốc tế.

Vì vậy, chủ trương của Đảng vẫn là cần phải tiếp tục đổi mới tư duy theo hướng xây dựng chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước và xu thế phát triển chung của thế giới; chú trọng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển mạnh khoa học, công nghệ, áp dụng kịp thời các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cao vào sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường sự phân công, hợp tác giữa các ngành, các vùng, các thành phần kinh tế và những cơ hội từ hội nhập để đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện thể chế kinh tế để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO