Hệ thống chính trị mà đứng đầu là Đảng là tấm gương của toàn xã hội

Tường Mạnh| 16/09/2014 09:31

Khoản 2 và khoản 3, Điều 4, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, Đảng có quyền lực chính trị lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo toàn diện đất nước, lãnh đạo toàn dân xây dựng xã hội mới. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ. Đảng cầm quyền lấy dân làm gốc.

Đồng chí Trần Phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm mô hình trồng vải thiều của nông dân xã Nam Đà (Krông Nô). Ảnh: Hồng Thoan

Quyền lực của Đảng do dân ủy thác. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Đảng cầm quyền trong một nước dân chủ, thì việc giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi.

Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại". Về mặt lý luận và thực tiễn, giành chính quyền đã khó, giữ và xây dựng chính quyền còn khó hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Chống đế quốc phong kiến là tương đối dễ, thắng nghèo nàn lạc hậu khó khăn hơn nhiều". Chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng (cả tổ chức và con người), để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi là một cuộc chiến đấu khổng lồ.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng. Bởi vì, Đảng ta là đảng cầm quyền, mọi sai, đúng về đường lối, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, tốt, xấu không bó hẹp trong nội bộ Đảng mà tác động tới toàn xã hội. Hệ thống chính trị mà đứng đầu là Đảng là tấm gương của toàn xã hội.

Theo đó, vấn đề quan trọng là làm sao trong điều kiện Đảng cầm quyền, là có được đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ trí tuệ, bản lĩnh, cái tâm, cái đức để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Trong xây dựng đất nước, Đảng phải có tư duy mới, bố trí lực lượng mới, phương pháp cách mạng và hành vi mới... Ngay từ sau khi giành được độc lập, với tầm nhìn xa, trông rộng, Bác Hồ đã cảnh báo những nguy cơ và chỉ ra những căn bệnh của Đảng cầm quyền và của cán bộ, đảng viên do chủ nghĩa cá nhân gây ra.

Trong đó, đáng chú ý là những căn bệnh như: quan liêu, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, lạm dụng quyền lực để nhũng nhiễu dân, dìm người tài...Bác Hồ đã chỉ ra rằng, trong điều kiện Đảng cầm quyền, những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.

Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư". Như vậy, tham nhũng không chỉ là tham nhũng kinh tế, mà gốc rễ là tham nhũng quyền lực, và đó là bệnh của cán bộ, công chức.

Thực tiễn cho thấy, nếu cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, chủ chốt có chức, có quyền mà không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trở thành những tấm gương sáng trong xã hội, thì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Bởi vì, cán bộ, đảng viên là tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm; là lực lượng tiên phong, nòng cốt của dân tộc: "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau".

Quyền lực chính trị nếu được trao vào tay cán bộ có đức, có trí thì sẽ biến thành sức mạnh, động lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Ngược lại, nếu quyền lực đó được trao vào tay cán bộ thiếu đức, dưới tầm thì việc lộng quyền, kéo bè kéo cánh, thiếu ý thức phục vụ nhân dân, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm là tất yếu, và cũng tất yếu sẽ dẫn tới tha hóa, biến chất, tham nhũng.

Vì vậy, nếu tham nhũng trước hết là tham nhũng quyền lực, thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Việc kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực của người lãnh đạo, thì phải kiểm soát từ dưới lên. Tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cách sửa chữa sai lầm đó. Trong sinh hoạt Đảng, phê bình và tự phê bình, thật sự bảo đảm dân chủ của đảng viên là cách kiểm soát quyền lực theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Mặt khác, đối với kẻ tham nhũng, chỉ có giáo dục đạo đức không thôi thì không thể tiêu diệt được tham nhũng mà cần kết hợp giữa "đức trị" với "pháp trị". Do đó, việc Hiến pháp quy định, các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn, thể hiện tính khoa học, minh bạch của bộ máy trong điều kiện nhà nước pháp quyền, sự nghiêm minh và công bằng về pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống chính trị mà đứng đầu là Đảng là tấm gương của toàn xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO