Xây dựng, hoàn thiện nền giáo dục xã hội chủ nghĩa mang tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại

Tường Mạnh| 13/01/2015 10:04

Khoản 1, Điều 61 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

ADQuảng cáo

Có thể nói, trong nhiều năm qua, nhất là thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, việc chăm sóc, bồi dưỡng, đào tạo và phát huy nguồn lực con người luôn được quan tâm hàng đầu. Đặc biệt, mục tiêu của sự nghiệp giáo dục-đào tạo được Đảng nêu rất rõ ràng, đó là xây dựng, hoàn thiện nền giáo dục xã hội chủ nghĩa mang tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại.

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã tiếp tục khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.  

Giáo viên Trường tiểu học Bùi Thị Xuân, thị trấn Kiến Đức (Đắk R'lấp) áp dụng dạy học theo phương pháp Công nghệ tiếng Việt 1 để nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Nguyễn Hiền

Theo đó, cùng với thực hiện giáo dục toàn diện ở tất cả các bậc học thì chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nhân cách, lối sống, nâng cao khả năng tư duy sáng tạo và năng lực thực hành. Trên cơ sở giáo dục nhân cách, thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời.

Đổi mới tư duy giáo dục một cách nhất quán, từ mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đến cơ cấu và hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý để tạo được chuyển biến cơ bản và toàn diện của nền giáo dục nước nhà, tiếp cận với trình độ giáo dục của khu vực và thế giới.

Phấn đấu xây dựng nền giáo dục hiện đại, của dân, do dân, vì dân, đảm bảo công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, tạo điều kiện để toàn xã hội học tập và học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

ADQuảng cáo

Bám sát định hướng, mục tiêu trên, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, việc tăng cường các nguồn lực cho giáo dục được xem là giải pháp cơ bản, tạo tiền đề cho phát triển giáo dục.

Việc đầu tư cho giáo dục được lấy từ nguồn chi thường xuyên và nguồn chi phát triển trong ngân sách Nhà nước. Ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực cho giáo dục, được sử dụng tập trung ưu tiên cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đào tạo cán bộ cho một số ngành trọng điểm, bồi dưỡng nhân tài, trợ giúp cho giáo dục ở những vùng khó khăn và diện chính sách.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng tích cực huy động các nguồn lực ngoài ngân sách; xây dựng quỹ giáo dục quốc gia, quỹ khuyến học, quỹ tín dụng đào tạo. Nhà nước cũng khuyến khích và tạo điều kiện để cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài giúp đỡ, đầu tư vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo theo quy định cũng như sử dụng một phần vốn vay và viện trợ của nước ngoài để xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục.

Cùng với việc xây dựng đội ngũ giáo viên, tạo động lực cho người dạy, người học thì ngành Giáo dục cũng tiếp tục đổi mới nội dung phương pháp giáo dục - đào tạo và tăng cường cơ sở vật chất các trường học. Chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, thi, kiểm tra cũng ngày càng đổi mới theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Công tác xã hội hóa cũng được đẩy mạnh, góp phần huy động và tổ chức lực lượng của toàn xã hội tham gia vào quá trình giáo dục - đào tạo. Thông qua đó, mọi người dân được tạo điều kiện và cơ hội để được hưởng thụ các thành quả của giáo dục - đào tạo đem lại, xây dựng được phong trào toàn dân học tập suốt đời.

Việc đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giáo dục-đào tạo, theo tinh thần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục cũng được chú trọng. Nhà nước thực hiện đúng chức năng định hướng phát triển, tạo lập khung pháp lý và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục - đào tạo, chống bệnh thành tích.

Các cơ quan quản lý giáo dục cũng được quy định rõ chức năng, nhiệm vụ theo hướng làm tốt chức năng quản lý nhà nước, xây dựng, hoàn thiện các chính sách, cơ chế về giáo dục - đào tạo, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện mục tiêu, chương trình và chất lượng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng, hoàn thiện nền giáo dục xã hội chủ nghĩa mang tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO