Xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm và là tế bào lành mạnh của xã hội

Tường Mạnh| 20/08/2014 09:59

Khoản 3, Điều 60, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân.

ADQuảng cáo

Gia đình và xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau. Điều này thường được nhấn mạnh thông qua hình ảnh “gia đình là tế bào của xã hội”. Với tính cách là “tế bào xã hội”, gia đình có tác động to lớn đến phát triển của xã hội, là nền tảng để xã hội phát triển. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Gia đình bền chặt, hạnh phúc là tổ ấm của mỗi cá nhân.

Ảnh tư liệu

Gia đình là cầu nối giữa cá nhân và xã hội, là nơi trung chuyển mọi thông tin từ cá nhân đến xã hội và ngược lại. Ở nước ta, gia đình truyền thống được hun đúc lâu đời trong lịch sử dân tộc, nhưng thực tế gia đình ấy cũng bộc lộ cả những mặt tích cực và tiêu cực.

Trong đó, yếu tố tích cực là gia đình Việt Nam truyền thống coi trọng vấn đề gia đình, đề cao hiếu nghĩa, gia lễ, đạo đức, bổn phận, sự thủy chung… Còn về tiêu cực thì tiêu biểu là tính gia trưởng, sự bất bình đẳng, trọng nam khinh nữ, đa thê, môn đăng hộ đối…

Bước vào thời kỳ mới, nền kinh tế thị trường, hội nhập và giao lưu quốc tế cũng tác động không nhỏ cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực đến mỗi gia đình. Con người năng động hơn, làm kinh tế hiệu quả hơn, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, đời sống được cải thiện, tiếp thu những giá trị mới của nhân loại. Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng xuất hiện cũng ngày càng nhiều, đề cao vật chất, thời gian dành cho gia đình ít đi, lối sống có phần pha tạp, nhiều giá trị của gia đình đang có xu hướng bị đảo lộn.

Vì vậy, trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc xây dựng gia đình Việt Nam là một vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi phải có những gia đình mới, con người mới với sự năng động, sáng tạo để có thể vượt qua những thách thức mới của thời đại, đảm nhận được trọng trách to lớn của dân tộc.

Theo quan điểm, chủ trương của Đảng thì mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.

ADQuảng cáo

Theo đó, sự ít con là nhằm tái sản xuất ra con người phù hợp và hài hòa những điều kiện đảm bảo có thể, để lớp người mới ra đời có khả năng phát triển cả trí lực và thể lực, nâng cao chất lượng cuộc sống, đưa lại niềm vui cho gia đình và xã hội.

Sự ấm no phải là kết quả của lao động cần cù, sáng tạo và chính đáng của mỗi gia đình. Sự bình đẳng vừa thể hiện dân chủ vừa đảm bảo tính nền nếp và hòa thuận giữa các thành viên trong gia đình. Gia đình tiến bộ trên cơ sở sự tiến bộ của mọi thành viên và không tách rời sự tiến bộ chung của xã hội.

Gia đình hạnh phúc không phải là cái gì trừu tượng, cao xa mà đơn giản chính là tổng hòa những nét đẹp thường ngày của cuộc sống gia đình. Ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ tạo nên hạnh phúc cho gia đình. Qua đó, mỗi gia đình sẽ bền vững, đem lại sự đi lên vững chắc và phát triển lành mạnh cho toàn xã hội.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc xây dựng gia đình Việt Nam. Theo đó, một hệ thống chính sách cơ bản và đầy đủ, trên cơ sở một chiến lược quốc gia về gia đình, gắn với chiến lược phát triển chung của đất nước đã được xây dựng, hình thành nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho việc xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Đặc biệt, một số chính sách xã hội cấp bách như: tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, bảo đảm an sinh xã hội, hoạt động xã hội, từ thiện, nâng cao thể chất con người… đã được chú trọng thực hiện. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở nước ta đã phát triển rộng rãi, ngày càng được thực hiện theo hướng đi vào chiều sâu, bền vững.

Với mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ, sự nghiệp giải phóng phụ nữ ngày càng được quan tâm hơn, nhất là việc khắc phục bất bình đẳng nam nữ và giảm bớt gánh nặng nội trợ trên vai người phụ nữ. Công tác tuyên truyền và định hướng thông tin về gia đình, về sử dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào các hoạt động của gia đình cũng được quan tâm, chú trọng thực hiện…

Đối với vấn đề xây dựng con người mới, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cũng đã chỉ rõ: Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc.

Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm và là tế bào lành mạnh của xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO