Việc thu hồi đất phải gắn với các mục tiêu vì lợi ích quốc gia

Tường Mạnh| 28/10/2014 09:12

Khoản 3, Điều 54 Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, trong điều kiện phát triển của đất nước hiện nay, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội là điều hết sức cần thiết, rất cần sự đồng thuận của toàn dân vì tất cả cũng vì cuộc sống của chính nhân dân.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện, Hiến pháp quy định việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội phải gắn trực tiếp với các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng và phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo các nhà chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai thì có một thực tế lâu nay, tất cả các loại dự án có sử dụng diện tích đất được phê duyệt, Nhà nước đều đứng ra thu hồi và bàn giao mặt bằng cho các dự án, nhà đầu tư.

Đây là một phương thức dễ thực hiện, vì nó thống nhất vào một mối, gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thu hồi đất, nhà đầu tư đến nhận và thuê “đất sạch”, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án của Nhà nước cũng như việc thu hút đầu tư. Thế nhưng, ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng chính quyền thực hiện thu hồi đất tràn lan, có những dự án chưa được phê duyệt vẫn tiến hành thu hồi đất, giá đất chủ yếu lấy theo giá đất do UBND cấp tỉnh quyết định hàng năm.

Mặt khác, tình trạng vi phạm trình tự thu hồi đất, thiếu công khai dân chủ, những bất cập trong việc hỗ trợ giải quyết việc làm sau thu hồi đất…là những nguyên nhân dẫn đến người dân không đồng tình và khiếu nại kéo dài. Vì vậy, nhiều dự án khi triển khai bị chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng, làm cho chi phí đầu tư tăng lên, hiệu quả dự án giảm sút. Ngoài ra, số lượng các dự án “treo” ngày càng xuất hiện nhiều hơn và lâu hơn.

Có những dự án quy hoạch “treo” đến hàng chục năm, ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động kinh doanh của không ít hộ dân sống trong vùng dự án. Mặt khác, cũng có rất nhiều dự án sau khi thu hồi đất đền bù với giá rẻ rồi bỏ hoang. Kết quả của những bất cập trên là đất đai, nguồn lực quý của đất nước ở nhiều địa phương đã bị sử dụng một cách lãng phí.

Trên tinh thần của Hiến pháp, luật Đất đai 2013 cũng đã có những quy định về các căn cứ thu hồi đất chặt chẽ, cụ thể hơn, tránh việc thu hồi tùy tiện, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, quyền của Nhà nước và quyền của người dân.

Theo đó, luật Đất đai 2013 đã quy định cụ thể về 4 trường hợp Nhà nước thu hồi đất gồm: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; Thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; Thu hồi đất do chấm dứt sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện và do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Đặc biệt, luật Đất đai cũng quy định theo hướng thu hẹp hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Ngoài các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư, các trường hợp còn lại phải có xem xét về sự cần thiết phải thu hồi đất của HĐND cấp tỉnh.

Đối với các dự án đầu tư sử dụng đất không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì nhà đầu tư trong nước được nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để có đất thực hiện dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng giá đất nhiều địa phương chưa sát với thị trường trong thời gian qua, luật Đất đai 2013 cũng quy định bảng giá đất chủ yếu được áp dụng để tính thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức; tính các khoản thuế, lệ phí liên quan đến sử dụng đất…

Theo đó, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.

Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1 tháng 1 của năm đầu kỳ.   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc thu hồi đất phải gắn với các mục tiêu vì lợi ích quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO